Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học-công nghệ nhằm tạo lập các sản phẩm đặc trưng cho du lịch.
Trình diễn áo dài truyền thống Huế tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội vào tháng 4/2021 (Ảnh minh họa: Đăng Khoa). |
Đến nay, đã hình thành các tài sản trí tuệ như: chỉ dẫn địa lý “nón lá Huế”; chỉ dẫn địa lý “dầu tràm Huế”; nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vải Dèng huyện A Lưới; nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế”; nhãn hiệu tập thể “Sen Huế”; nhãn hiệu chứng nhận “Huế-Kinh đô ẩm thực”; nhãn hiệu chứng nhận cho điểm đến du lịch “Chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn”; nhãn hiệu chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích” cho làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền… Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều dự án nhằm khai thác các tài sản trí tuệ nêu trên, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho du lịch.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, khái niệm sở hữu trí tuệ xuất hiện trong chiến lược của ngành du lịch có vẻ xa lạ, nhưng nó đang trở thành yếu tố quan trọng đối với ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch. Một sản phẩm du lịch hay một địa điểm du lịch muốn phát triển không chỉ cần thị trường biết đến, mà quan trọng hơn cần giữ chân du khách bằng sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm đó chỉ có thể được duy trì nhờ vào hệ thống tiêu chí chất lượng và kiểm soát chất lượng của mỗi loại tài sản trí tuệ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các thương hiệu du lịch hiện nay chủ yếu được bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một biểu tượng chung của khu vực địa lý và chưa được quản lý, khai thác như một dạng tài sản công để phát huy giá trị kinh tế. Nhiều địa phương sau khi tạo lập tài sản trí tuệ đã không quản lý, khai thác hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí không ít tài sản trí tuệ bị lãng quên. Như ở Thừa Thiên Huế, một số sản phẩm đặc sản đã được xây dựng thương hiệu, nhưng việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như nón lá Huế, hoa giấy Thanh Tiên, gốm Phước Tích...
Du lịch là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch như Thừa Thiên Huế là hướng đi mới, vừa khơi dậy những tiềm năng giá trị tài sản trí tuệ của địa phương, vừa để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Trong Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 về “Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, với quan điểm “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo hướng “bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả”, trong đó “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh du lịch” trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mô hình khai thác phù hợp, xác định trách nhiệm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các tài sản trí tuệ là cơ quan quản lý, chủ sở hữu tài sản trí tuệ hay xã hội hóa. Xây dựng các thể chế, chính sách để tác động đến khai thác tài sản trí tuệ địa phương cho phát triển du lịch.
Cần có một quy trình khai thác thống nhất, nhưng có tính đến đặc thù vùng miền. Bên cạnh việc bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ là tài nguyên phát triển du lịch ở các địa phương, cần xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ với nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu liên kết cho các sản phẩm giống nhau ở các địa phương trong cùng một vùng nhằm tạo cho sản phẩm, dịch vụ có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao.
Cần tăng cường giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đã được xây dựng dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu tới thị trường trong và ngoài nước gắn với kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch địa phương, quốc gia.
Theo HÀ LINH (NDĐT)