Mê xê dịch

Góc review

Khám phá ẩm thực Ban Mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tô điểm cho văn hóa đặc trưng của TP. Buôn Ma Thuột là nét văn hóa ẩm thực phong phú, có sự hòa trộn, kết nối giữa các vùng miền của đất nước. Trong thực đơn phong phú đó, có hai món khá quen thuộc là bún đỏ và bánh ướt chồng dĩa.

“Đến Ban Mê phải một lần thử qua bún đỏ” là lời giới thiệu khá quen thuộc của người dân Ban Mê với du khách đến đây.

Là món ăn dân dã, tên gọi "bún đỏ" xuất phát từ màu sắc của sợi bún, kết hợp với nước dùng đặc trưng tạo ra một gam màu đỏ cam bắt mắt. Màu này được tạo từ hạt điều tự nhiên nên rất lành. Nước dùng của bún được ninh từ xương tạo nên một vị ngọt thanh mát.

Người nấu còn khéo léo thêm chút gạch cua, tôm và thịt ba chỉ xay nhuyễn, trộn đều với tiêu và hành củ băm nhỏ, sau đó nặn thành từng viên tròn cho vào nồi nước dùng, tạo nên hương vị đặc trưng thơm ngon, đậm đà không thể nhầm lẫn với bất kỳ món bún nào khác.

Món bún đỏ với đỏ màu đặc trưng hấp dẫn thực khách.

Món bún đỏ với đỏ màu đặc trưng hấp dẫn thực khách.

Người nấu bún đỏ có kinh nghiệm sẽ canh cho sợi bún đạt được độ “chín” vừa nhất, từ thời gian bỏ bún vào nồi nước dùng đến thời gian nấu sao cho sợi bún hơi nở, ngấm vừa đủ gia vị của nước dùng. Rau ăn kèm với món bún đỏ thường là rau cần nước, cải ngọt, giá đỗ được chần sơ qua cùng với hành ngâm và tóp mỡ rán giòn, thêm một chút mắm tôm, ớt xay.

Bún đỏ cô Nga là một trong những quán bún đỏ có lẽ lâu đời nhất ở đây. Nói là quán chứ thực chất chỉ đơn sơ một biển hiệu, một gánh bún và một số bàn ghế nhựa xếp trên vỉa hè đường Y Jut. Cô Nga bán bún đỏ từ năm 1988, gánh bún này cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình trong suốt 36 năm qua. “Ngày trước, bún đỏ là món ăn chỉ tìm thấy ở vỉa hè phục vụ dân lao động làm đêm. Lâu dần, nó trở thành món khoái khẩu của giới trẻ, được đưa vào các quán sang trọng hơn và trở thành món ăn mang nét đặc trưng riêng của Buôn Ma Thuột”, cô Nga chia sẻ.

Đến với Ban Mê, từ khoảng 3 - 4 giờ chiều, bạn có thể bắt gặp quán bún đỏ xuất hiện nhiều trên khắp các đường phố, các chợ cho đến những con hẻm nhỏ. Đặc biệt, trên đường Lê Hồng Phong có hàng loạt quán bún đỏ liền kề nhau, tạo điều kiện cho thực khách lựa chọn theo sở thích của mình. Hiện nay, với giá dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/tô, bún đỏ vẫn luôn là món ăn bình dân đặc trưng, hấp dẫn của người dân và cả với thực khách khi đến với cao nguyên Đắk Lắk.

Bánh ướt, bánh cuốn là món ăn truyền thống quen thuộc với người Việt, nhưng ở Buôn Ma Thuột đã được sáng tạo, biến tấu thành đặc sản với tên gọi “Bánh ướt chồng đĩa”.

Khác với bánh ướt thông thường được cuộn sẵn, món đặc sản này được phục vụ theo từng đĩa, mỗi đĩa là 1 chiếc bánh tráng siêu mỏng, nóng hổi, được rắc lên chút mỡ hành, hẹ và bột tôm khô. Đồ ăn kèm rất phong phú, đa dạng, được để trong đĩa riêng, thường có nem nướng, thịt nướng, nem chua, chả lụa, chả quế, dưa chua muối, xoài bào mỏng, dưa leo, húng quế. Sau đó, thực khách sẽ tự cuộn bánh với loại “topping” ưa thích, và lựa chọn một trong các loại nước chấm như mắm nêm hoặc mắm chua ngọt để thưởng thức.

Món "Bánh ướt chồng đĩa" độc đáo của Buôn Ma Thuột.

Món "Bánh ướt chồng đĩa" độc đáo của Buôn Ma Thuột.

Sự kết hợp giữa những miếng thịt nướng thơm ngon, chả lụa dai dai, xoài giòn ngọt, cải chua thanh mát, và rau quế thơm lừng, tất cả tạo nên sự hài hòa về hương vị, không gây ngán, nên mỗi người có thể thưởng thức từ 10 - 20 đĩa, thậm chí trên 30 đĩa. Các đĩa bánh được xếp chồng lên nhau trên một chiếc kệ đặc biệt để mang ra và ăn xong thực khách cũng tự xếp chồng các đĩa bánh để "khoe" một cách thích thú khi thanh toán. Đó cũng chính là một trong những yếu tố tạo nên nét đặc trưng cho món ăn, thu hút thực khách.

Theo Anh Phương (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm