Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Khám phá sững sờ về thiên thạch sao Hỏa nổi tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một thiên thạch sao Hỏa nổi tiếng được phát hiện là chứa các phân tử hữu cơ, nhưng chúng không phải là bằng chứng về sự sống.
 
Thiên thạch Allan Hills 84001 đến từ sao Hỏa và được tìm thấy ở Nam Cực vào năm 1984. Ảnh: JSC/NASA
Thiên thạch Allan Hills 84001 đến từ sao Hỏa và được tìm thấy ở Nam Cực vào năm 1984. Ảnh: JSC/NASA
Một nghiên cứu mới cho thấy, các phân tử hữu cơ được tìm thấy trong một thiên thạch sao Hỏa rơi xuống Trái đất không phải là dấu hiệu của sự sống, mà thay vào đó được hình thành trong các phản ứng hóa học giữa nước và đá trên hành tinh đỏ khoảng 4 tỉ năm trước. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, những phát hiện này có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của các "khối xây dựng sự sống" trên Trái đất sơ khai.
Các phân tử hữu cơ thường bao gồm bất kỳ hợp chất nào với carbon, và chúng có thể chứa ôxy, nitơ, lưu huỳnh và các nguyên tố khác. Các hợp chất hữu cơ thường gắn liền với sự sống, nhưng chúng có thể phát sinh do hoạt động phi sinh học. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện nhiều hóa chất hữu cơ trong đá sao Hỏa, cũng như khí metan hữu cơ trong bầu khí quyển của sao Hỏa. Tuy nhiên, nguồn gốc của các hợp chất này vẫn còn gây tranh cãi.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tập trung vào thiên thạch Allan Hills 84001 (ALH 84001). Tảng đá được phát hiện tại Allan Hills ở Nam Cực vào năm 1984. Một tác động vũ trụ đã thổi bay nó ra khỏi sao Hỏa khoảng 17 triệu năm trước. Nó sau đó lao xuống Trái đất khoảng 13.000 năm trước.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà thiên văn học Andrew Steele từ Viện Khoa học Carnegie ở Washington D.C (Mỹ) nói với Space.com: "ALH 84001 có thể không phải là tảng đá được nghiên cứu nhiều nhất, nhưng nó là một trong những tảng đá được nghiên cứu nhiều nhất".
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã tranh cãi về cách các hóa chất hữu cơ trong ALH 84001 hình thành. Những lời giải thích bao gồm cả các yếu tố phi sinh học, chẳng hạn như hoạt động núi lửa hoặc các tác động vũ trụ, cũng như sự sống cổ đại trên sao Hỏa hoặc sự ô nhiễm từ hành tinh của chúng ta sau khi thiên thạch rơi xuống Trái đất.
Để giải đáp bí ẩn này, nhóm nghiên cứu đã phân tích một vài khoáng chất bên trong thiên thạch. Họ phát hiện, các hợp chất hữu cơ trong thiên thạch có liên quan đến các khoáng chất giống như serpentin. Serpentine là khoáng chất màu lục sẫm, đôi khi có đốm như da rắn, có liên quan đến môi trường ẩm ướt.
Những phát hiện này cho thấy các hóa chất hữu cơ trong ALH 84001 có thể được hình thành do sự tương tác giữa nước và đá, tương tự như những tương tác đã từng xảy ra trên Trái đất.
Nhìn chung, công trình này gợi ý "cách một số khối xây dựng quan trọng đối với sự sống đã được tạo ra trên Trái đất sơ khai và đang được sản xuất ở những nơi khác trong Hệ Mặt trời của chúng ta", chẳng hạn như mặt trăng Enceladus của sao Thổ.
NGUYỄN HẠNH (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/kham-pha-sung-so-ve-thien-thach-sao-hoa-noi-tieng-994820.ldo

Có thể bạn quan tâm