Khảo sát hiện tượng "ma lai-thuốc thư" và vấn nạn tự tử tại Kông Chro và Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-6, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do Phó Trưởng Ban Thường trực Trần Đình Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Kông Chro và huyện Kbang nhằm khảo sát, tìm hiểu, đánh giá hiện tượng xã hội “ma lai-thuốc thư” và vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số.
 

Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Kông Chro. Ảnh: Hồng Thi

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Kông Chro đã xảy ra 18 vụ nghi “ma lai-thuốc thư”, làm chết 1 người, nhiều tài sản bị đập phá và 2 gia đình phải sơ tán ra khỏi làng đến nơi ở khác. Các vụ việc trên đều đã được phát hiện, giải quyết kịp thời, không để lại hậu quả nghiêm trọng. Số vụ tự tử xảy ra từ 2010 đến nay là 693 vụ, chết 119 người (năm 2016, tính đến ngày 19-5 xảy ra 34 vụ với 3 người chết).

Tổng số vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 2005 đến nay ở huyện Kbang là 259 vụ (chết 219 người); trên địa bàn huyện không xảy ra hiện tượng xã hội “ma lai-thuốc thư”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương cho biết:: Điều kiện sinh sống lạc hậu, sinh hoạt cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số phụ thuộc vào thiên nhiên, khả năng phòng ngừa dịch bệnh còn hạn chế; tư tưởng mê tín dị đoan, lấy việc cúng bái, xem bói để chữa bệnh còn nhiều; mâu thuẫn gia đình, khó khăn về kinh tế, thiếu kinh nghiệm ứng xử trong hôn nhân; tính tự ti, tự ái, đua đòi, lêu lổng của một bộ phận thanh-thiếu niên; bế tắc, trầm uất trong cuộc sống, suy nghĩ thiếu tỉnh táo sau khi uống nhiều rượu, bia…

Một số giải pháp, kiến nghị đã, đang và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ hiện tượng nghi “ma lai-thuốc thư” và vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các huyện đưa ra trao đổi, phân tích làm rõ.

 

Ngoài ra, tại buổi làm việc với huyện Kbang, đoàn công tác còn kiểm tra hiện trạng đầu tư xây dựng di tích căn cứ cách mạng Khu 10 xã Krong. Theo đó, từ 2007 đến 2016, khu di tích đã được đầu tư một số hạng mục như: Bia cơ quan Hội LHPN tỉnh tại làng Klư, thôn 5; Bia đánh dấu nơi các cơ quan tỉnh đóng chân tại 2 làng Tung, Gút (năm 2016 sẽ tổ chức trồng 7 ha rừng thông ba lá ở khu vực này); Bia cơ quan Tỉnh đội tại làng Vir; đường giao thông từ UBND xã đến bia di tích với chiều dài 5,65 km gồm 3 cầu, 5 cống, 3,56 km đường bê tông xi măng (năm 2016 tiếp tục đầu tư 2,08 km đường bê tông xi măng, 8 cống thoát nước và công trình phòng hộ trên tuyến với tổng kinh phí 8,1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước); Nhà truyền thống khu căn cứ cách mạng Khu 10 tại khuôn viên trụ sở xã Krong…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm