Xã hội

Đời sống

Khảo sát khắc phục hậu quả bom mìn tại huyện Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 3-8, đoàn công tác do Trung tướng Phạm Ngọc Khóa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Chư Prông. Nội dung làm việc nhằm khảo sát, chuẩn bị để thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn; tặng xe đạp cho học sinh khó khăn; khám-chữa bệnh cho người nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân của bom mìn trên địa bàn huyện.

Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Ksor Việt; cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Giáo dục Đào tạo; Sở Lao động Thương binh xã hội; Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các phòng ban liên quan của huyện Chư Prông.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Khánh Linh

Tại buổi làm việc, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa đã thông tin khái quát về một số hoạt động của Hội trong thời gian qua tại các địa phương trên cả nước. Đồng thời cho biết, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam chọn huyện Chư Prông để tổ chức các hoạt động hỗ trợ. Dự kiến trung tuần tháng 9-2023, Hội sẽ tổ chức các hoạt động, gồm: công tác tuyên truyền phổ biến về hậu quả do bom mìn chiến tranh để lại bằng pano, áp phích; chiếu phim tài liệu tại nơi tổ chức các hoạt động; tuyên truyền thông điệp hậu quả bom mìn bằng xe loa, qua hệ thống phát thanh của huyện của các xã, thị trấn; tặng sinh kế, tặng xe đạp và khám chữa bệnh với mức hỗ trợ sinh kế từ 6 đến 8 triệu đồng/hộ; 2 triệu đồng/xe đạp/học sinh.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc đã đóng góp ý kiến để các hoạt động của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam diễn ra thành công nhất. Đảm bảo mục đích ý nghĩa cao đẹp các hoạt động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Ksor Việt cho biết: Trong chiến tranh Chư Prông là địa bàn trọng điểm ác liệt. Trong đó, ác liệt nhất phải kể đến căn cứ Plei Me, đây là chiến trường diễn ra nhiều trận đánh giành giật từng tấc đất giữa bộ đội chủ lực của ta và quân Mỹ xâm lược. Vì thế sau chiến tranh số bom mìn còn sót lại khá nhiều. Trên địa bàn huyện có 38 người bị tai nạn do bom mìn, trong đó có 28 người còn sống. Dịp này huyện đã lập danh sách 10 người bị tai nạn bom mìn và 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trợ giúp; lập danh sách từ 500 đến 700 người để khám bệnh cấp thuốc.

Có thể bạn quan tâm