Khi cái đẹp "đè bẹp" tất cả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã có nhiều luận bàn về cái đẹp trong đời sống xã hội, qua đó khẳng định một vấn đề cốt lõi rằng con người luôn luôn có nhu cầu hướng tới cái đẹp và các hoạt động của chúng ta đều phải “theo quy luật của cái đẹp” (Mác).

Vì vậy, có thể nói cái đẹp là chuẩn mực, là thước đo để định giá và định hướng, là lý tưởng thẩm mỹ mang tính phổ biến trong mọi lĩnh vực sống của con người nói riêng, của xã hội nói chung. Cái đẹp giúp chúng ta nhận diện cái xấu, cái ác, cái cũ kỹ mà loại bỏ, từ đó hướng đến tương lai tươi sáng. Trong nghệ thuật, cái đẹp càng hiện ra đầy đặn, rực rỡ và lôi cuốn hơn với sức cảm hóa và cổ vũ vô bờ.

 

Ảnh minh họa

Điều đó lý giải vì sao khi xã hội ngày càng thoát khỏi sự thiếu thốn, thì cái đẹp lại càng hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là ở những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quần chúng tin rằng nghệ thuật và nghệ sĩ sẽ song hành cùng nhau, thậm chí đi trước cuộc sống, để ghi nhận, dự báo và định hướng. Nhưng dường như nhiệm vụ lớn lao ấy đang dần bị chệch hướng khi có quá nhiều những cá nhân cố làm đẹp hình thức mà quên mất phải bồi dưỡng “nội dung”. Dẫu biết rằng làm cho mình đẹp hơn (bằng cách này hay cách khác) chính là trân trọng bản thân, tôn trọng công chúng, tuy nhiên quá phụ thuộc vào nó, lợi dụng nó để đi đến những cái đích mà mình mong muốn là điều không nên.

Gần đây dư luận xôn xao nhiều về những ca “đại phẫu thuật thẩm mỹ” của một số người trong giới showbiz. Một “công chúa thủy tề” Tùng Sơn với cặp mắt, đôi môi mộng mị; một “chàng trai vườn ổi” Lệ Rơi với vẻ đẹp Tây hóa lịch lãm; đặc biệt là chàng trai Đức Phúc chuẩn “soái ca”, khác lạ đến ngỡ ngàng. Đó chỉ là những ví dụ kinh điển giữa rừng danh hiệu mỹ miều “hot boy”, “hot girl”, “nam thần”, “soái ca” mọc lên rầm rộ như nấm sau mưa với vẻ đẹp lung linh, lộng lẫy mà đôi khi có thể chính họ cũng không còn nhận ra mình.

Điều gì đã khiến cho họ phải bằng mọi cách làm cho mình đẹp hơn về mặt hình thức? Điều gì khiến cho họ thay đổi, thậm chí chối bỏ hình hài cha mẹ sinh thành để trở nên đổi khác? Phải chăng xã hội của chúng ta đang quá coi trọng hình thức, tung hô vẻ đẹp bề ngoài đến mức cực đoan, tiêu cực, đến mức làm lu mờ đi những giá trị thực thụ khác trong mỗi con người như tài năng, nhân cách, tâm hồn hoặc tri thức...

Trong diện mạo mới, Lệ Rơi không thể hát đúng nhịp hơn, Tùng Sơn không thể bớt dị hợm hơn, hay Đức Phúc không thể hoàn toàn thoải mái khi thể hiện các ca khúc. Nếu cô lập cái đẹp, cái mới mẻ của hình thức ra khỏi mối liên hệ với bản chất bên trong thì cá nhân ấy chỉ là cái xác không hồn, là quà tặng vô duyên đối với công chúng. Kiêu hãnh với sắc đẹp là tự hạ thấp cái đẹp bên trong của mình.

Một xã hội ngày càng trọng hình thức, đánh giá cao vẻ bên ngoài là một xã hội của những cá nhân hời hợt, nông cạn, thậm chí vô cảm. Khi ấy, cái đẹp thực sự sẽ bị ẩn giấu, thậm chí bị lụi tàn vì chính sự thờ ơ, vội vã lướt qua của con người. Bởi, cái đẹp thực sự, những giá trị bên trong của mỗi người chỉ có thể được nhận diện và thấu hiểu khi được lắng nghe, được cảm thông và chia sẻ, đó mới là sự tồn tại lâu bền.

Hãy nhìn nhận và phát huy vẻ đẹp của riêng mình bởi mỗi người có một bản sắc riêng, giá trị riêng, không trộn lẫn. Cái đẹp hình thức chỉ là khoảnh khắc của thanh xuân và những sự thành công mà nó đem lại chỉ là sự cuốn hút nhất thời. Nhân cách, tài năng, trí tuệ hay tâm hồn… mới là những giá trị vĩnh cửu.

Tâm An

Có thể bạn quan tâm