(GLO)- Là nước có tiềm năng phát triển cây cà phê, nhưng mãi đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam vẫn đứng thứ 20/70 nước sản xuất cà phê trên thế giới. Hơn 10 năm sau, cây cà phê Việt Nam đã “vượt mặt” hàng chục quốc gia để vươn lên hàng thứ nhì, sau Brazil về tổng sản lượng nhưng lại đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê vối (Robusta).
Riêng tỉnh Gia Lai, từ một vùng đất gần như trắng tên trên bản đồ cà phê trước năm 1975, thì nay, cà phê đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nuôi sống hàng vạn con người.
Tất nhiên, không có thành quả nào ngẫu nhiên tự đến. Cũng như với mọi cái mới xuất hiện trong đời sống, trong khoảng 10 năm đó, cây cà phê cũng đã phải vượt qua không ít trở ngại. Đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cây cà phê còn phải vượt qua những ngáng trở về tập quán, niềm tin, đôi khi khá gay gắt. Có thể nói, cây cà phê về làng là cả một “cuộc cách mạng” mà vai trò “thủ lĩnh” của những người đi tiên phong đã đóng vai trò quyết định. Trong rất nhiều con người như thế, tôi nhớ câu chuyện mà ông A Drung Yuir ở làng Klót, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa kể.
Ông A Drung Yuir tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Sau ngày giải phóng, đang được tổ chức cho đi học thì ông A Drung Yuir bị bệnh phải trở về làng. Trước cảnh nghèo đói của bà con dân làng và chính bản thân, sau nhiều trăn trở, ông quyết định sang Nông trường Đak Đoa học cách trồng cà phê. Thế rồi vào một buổi sáng, người làng Klót bỗng nghe tiếng đào đất rình rịch, tiếng xe “độ” nổ váng cả một góc rừng. Hỏi thì được biết, hóa ra là ông Yuir đang đào hố trồng cà phê. Nhiều người nghe lạ quá đã đến tận nơi coi thử.
Người dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Phạm Quý |
Người Bahnar bấy giờ có tập quán kiêng trồng cây trong vườn nhà. Họ cho rằng, trồng cây trong vườn, nhất là những thức “cây lạ” thì sẽ bị Yàng phạt, làm cho đau ốm. Đang định đi “kiện” già làng thì già làng biết tin đã đến. Che bàn tay nhăn nheo lên con mắt để nhìn cho rõ “chuyện lạ”, giọng già làng sang sảng: “Thằng Yuir, đừng có nghĩ mày đi bộ đội về thì được bỏ lệ người Bahnar nhé. Nếu không muốn Yàng giận, ngày mai mày phải làm thịt 1 con dê để tạ lỗi”. Ông Yuir không cãi, chỉ cắm cúi đào hố. Trong khi già làng đinh ninh là ông tính đường lảng, chưa biết phải làm sao thì bất ngờ trưa hôm sau, ông Yuir đi gọi mọi người ra nhà rông uống rượu phạt. Một con dê to, không ai muốn bỏ qua dịp này. Già làng cúng xong, cứ tưởng “nó” phải nói lời xin Yàng tha tội, xin lỗi dân làng thì chẳng ngờ ông Yuir lại nhân cơ hội này tuyên truyền cho cây cà phê. Nói riết rồi ông lại quay sang “chê” dân làng sống cùng đất, hưởng cùng nắng gió mà người Kinh làm giàu được, còn mình thì chỉ biết ôm cây lúa rồi kêu đói. Có người nghe vậy tự ái định bỏ về thì bất ngờ ông Yong đứng lên nói: “Tôi là cán bộ tập kết, đi đây đi đó cũng nhiều, vậy mà cái đầu không nghĩ được như anh Yuir. Mai mốt, tôi cũng phá cái vườn tạp của gia đình để trồng cà phê. Đánh cược, nếu Yàng không phạt tôi, phạt anh Yuir thì làng đền gì?”. Không ai dám cược cả nhưng phải mấy năm sau, khi vườn cà phê của 2 ông Yuir và Yong cho thu hoạch, thấy được hiệu quả kinh tế, người làng Klót mới bắt đầu làm theo. Chuyện vui là dân làng sau đó đã góp tiền đền lại con dê, xem như một cử chỉ “giải oan” cho ông Yuir.
Đến năm 1994, bà con dân tộc thiểu số ở những xã kế bên các nông trường cà phê, điều kiện đất đai, nước tưới thuận lợi mới trồng cà phê trong vườn nhà. Tôi còn nhớ bấy giờ, mỗi lần nước thủy lợi Biển Hồ chảy về, các làng lại góp tiền tổ chức “cúng nước”. Họ cho rằng, đang giữa mùa khô mà có nước chảy trong làng là “trái ý Yàng”, sẽ bị “Yàng” quở, làm cho đau ốm… Bên cạnh sự ngáng trở của tập tục là tâm lý bán tin bán nghi “trồng cây lúa, cây mì ăn không hết thì để đó. Cà phê lỡ không ai mua, cho con heo, con bò giẫm cũng có được đâu”. Và nữa, kỹ thuật canh tác cũng là một trở ngại lớn. Đi qua nhiều khu vườn, thấy bà con trồng cà phê bấy giờ rất buồn cười: Họ đào những chiếc hố nông choèn, rắc lên vài dúm phân vi sinh rồi trồng cà phê xuống. Khi thấy cây không phát triển được thì có người cho rằng “Cà phê là cây người Kinh thì chỉ người Kinh mới trồng được”. Nắm cơ hội này, những tay “cò” tìm cách mua hoặc thuê lại đất của bà con bằng việc gạ đổi những chiếc xe “bãi rác”, bấy giờ đang là thứ có sức hấp dẫn rất lớn. Phải đến sau năm 2000, cây cà phê mới gọi là định hình trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là nhờ sự thuyết phục bởi hiệu quả kinh tế của nó.
Bây giờ thì chẳng còn ai nhớ những chuyện nghe bi hài thuở ban đầu về một thứ cây đã trở thành nguồn sống, cứ mở cửa là nhìn thấy mỗi ngày mà nghe cứ na ná như đến từ… cổ tích.
NGỌC TẤN