Thời sự - Bình luận

Khi nào hết cảnh treo bảng "hết xăng dầu"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cứ gần đến chu kỳ điều hành giá của liên bộ Công thương - Tài chính, các cửa hàng xăng dầu lại treo bảng “hết xăng dầu”, khiến thị trường bị xáo trộn; hoạt động sản xuất, kinh doanh... của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

 

 



Trước tình trạng này, các bộ, ngành, cơ quan chức năng đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc tổ chức thị sát, kiểm tra, xử phạt, dù vậy vi phạm vẫn tái diễn.


Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đáp ứng 80% tổng nhu cầu. Cả 2 nhà máy vận hành công suất tối đa, trong đó Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến vận hành ở công suất 105% trong 4 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.


Bên cạnh đó, cả nước hiện có 38 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu đủ điều kiện hoạt động. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá căng thẳng. Tuy nhiên, không phải lúc nào 2 nhà máy trên cũng hoạt động trơn tru, đảm bảo được nguồn cung. Bằng chứng là mới đây, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bị giảm sản lượng và ngưng hoạt động do không đủ tiền mua nguyên liệu sản xuất, sản lượng giao cho các thương nhân đầu mối bị sụt giảm hoặc không giao được hàng. Theo đó, nguồn cung xăng dầu trên toàn quốc bị thiếu hụt nghiêm trọng.


Thực tế trên nói lên rằng, nguồn xăng dầu nhập khẩu vẫn rất quan trọng, dù chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu. Giá xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới, do nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, kể cả trong trạng thái bình thường.


Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36% và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Giá xăng dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế. Mỗi lần giá xăng dầu tăng, giá cả hàng hóa lập tức theo đó lập đỉnh mới, gây khó khăn đến sinh hoạt, đời sống người dân. Do vậy, việc cần có giải pháp tổng thể nhằm vận hành thị trường xăng dầu hoạt động ổn định là yêu cầu cấp bách.


Hiện nay, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng dầu vào khoảng 35% giá thành. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để giảm áp lực lạm phát do giá xăng dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cụ thể, cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu xăng dầu như kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã làm. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung.


Ngoài ra, cơ quan chức năng xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, tết, để không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động. Vì thực tế cho thấy, nếu giá đầu vào tăng, giá bán ra chưa kịp điều chỉnh tăng theo, việc chiết khấu bằng 0 đồng, càng bán càng lỗ thì chủ cơ sở kinh doanh có tâm lý “găm” hàng chờ giá lên, hoặc chấp nhận phạt, không nhập hàng để bán là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chưa kể, nếu giá xăng dầu thế giới giảm mà trong nước chưa điều chỉnh giảm thì người tiêu dùng bị thiệt. Ngược lại, nếu giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng không kịp điều chỉnh giá bán trong nước tăng theo, sẽ không tạo ra động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư kinh doanh.


Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, việc cân đối lại nguồn cung, cân nhắc giảm các loại thuế, phí và xem xét cách tính lại giá cơ sở xăng dầu phù hợp với thực tiễn; đặc biệt, khắc phục những bất cập, hạn chế trong chu kỳ điều hành giá xăng dầu là hết sức cấp thiết nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt các giải pháp trên, sẽ xóa sổ được tình trạng treo bảng “hết xăng dầu” tại các cửa hàng xăng dầu trước ngày chờ liên bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh!

Theo LẠC PHONG (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm