Khi những dòng sông không hiền hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ bao đời nay, hình ảnh những dòng sông đã gắn liền với nét văn hóa tinh thần, vật chất của người dân, nếu biết khai thác kết hợp cùng việc bảo đảm an toàn và sự bình yên cho những dòng chảy ấy thì sông sẽ đem lại nguồn lợi vô hạn. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác nguồn lợi từ các con sông ở tỉnh Đak Lak không hợp lý, vậy nên mùa mưa lũ đến… lại lo những con sông “nổi giận”.

Sự “nổi giận” của những dòng sông…

Với nhiều hình thức khác nhau từ khai thác cát trái phép, chặt phá rừng đầu nguồn, đến việc xây dựng các công trình thủy lợi không hợp lý… vô hình trung người dân biến những dòng sông vốn dĩ hiền hòa cũng trở nên hung bạo, thành mối tai họa thường xuyên, nhất là khi mùa lũ đến…

 

Nhiều con  sông ở Đak Lak đã bị sạt lún. Ảnh: Bá Thăng
Nhiều con sông ở Đak Lak đã bị sạt lún. Ảnh: Bá Thăng

Tại khúc sông Krông Ana, với chiều dài 27 km chảy qua địa bàn huyện Krông Bông, mỗi ngày có hàng chục chiếc thuyền trọng tải lớn, cùng nhiều máy móc chuyên dụng của các hộ kinh doanh cát nơi đây, đang ra sức nạo vét, hút cát trái phép từ dòng sông này. Hoạt động đó đã làm sạt lở, cuốn trôi hàng trăm ha đất hoa màu hai bên bờ sông; dòng sông trước đây mới chỉ rộng khoảng 30-40 mét, sâu 3 mét, nhưng đến nay, đoạn hẹp nhất cũng đã đến hơn 60 mét, rộng hơn 100 mét, độ sâu trung bình 10 mét, gây nguy hại đến cuộc sống người dân.

Hay sông Krông Ana (sông Sêrêpôk chạy dài) chảy qua địa bàn huyện Ea Kar cũng đã chia cắt xã Cư Klang với các xã khác và thị trấn huyện, mọi giao thương, sinh hoạt của người dân với bên ngoài đều phải nhờ vào 2 cây cầu gỗ được bắc tạm qua sông (tại thôn 2A và 4A, xã Ea Ô). Tuy nhiên, do lòng sông rộng (từ 50 mét đến 100 mét) nên mỗi khi mưa lũ, nước dâng lên làm hư hỏng và cuốn trôi cầu, xã Cư Klang bị cô lập hoàn toàn trong nước, đồng thời, cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân trong huyện.

Nhớ lại đợt mưa lũ hồi tháng 11-2010, toàn huyện Ea Kar có 93 công trình thủy lợi bị hỏng, 263 ha hoa màu mất trắng, 117 ha diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị lũ cuốn trôi…; tình trạng giao thông đi lại bị chia cắt do hầu hết cầu cống tại các thôn buôn đều bị nước lũ cuốn trôi, đánh sập hoàn toàn. Còn tại khúc sông Krông Ana chảy trên địa bàn huyện Krông Ana vào mùa lũ cũng chẳng khác nào biển nước.

Ông Đặng Văn Lân- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Ana cho biết, cứ sau mỗi mùa mưa lũ hàng năm, nhiều diện tích đất và hoa màu ven sông của người dân đã bị xói lở, chưa kể, đã có hàng chục căn nhà, vật kiến trúc khác của người dân ven sông cũng bị lũ cuốn trôi.

Cần chủ động trong phòng-chống lũ bão

Ở tỉnh Đak Lak, hiện nay hệ thống sông ngòi khá đa dạng, các nhánh sông chủ yếu đều hợp nhất về dòng Sêrêpôk (chảy qua tỉnh khoảng 406 km), qua đó, tỉnh đã đầu tư, xây dựng hơn 640 công trình hồ đập thủy lợi khác nhau. Tuy nhiên, do diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, dân cư nhiều nơi còn thưa thớt nên hàng năm khi mùa mưa lũ đến, công tác phòng-chống lụt bão, bảo vệ hiệu quả các công trình thủy lợi, đê điều trong tỉnh còn nhiều khó khăn.

Nhận thức rõ vấn đề này, trong những năm qua, địa phương cũng đã thường xuyên coi trọng việc xây dựng, kiên cố hóa hệ thống đê điều, giao thông, thủy lợi tại nhiều nhánh sông trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có không ít các công trình đã và đang được hoàn thiện, gia cố vững chắc như tuyến đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana); đập Krông Buk hạ (huyện Krông Pak); cầu Ea Zớt (huyện Ea Kar)…

Theo đại diện Ban Chỉ huy Phòng-chống bão lụt tỉnh Đak Lak cho biết, hàng năm, công tác phòng-chống thiên tai, bão lụt luôn là vấn đề đặt ra hết sức cấp bách của tỉnh. Chính quyền các cấp cơ sở cần có sự quan tâm lồng ghép nội dung phòng-chống và giảm nhẹ thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm hành lang an toàn bảo vệ đê, công trình thủy lợi và những việc làm sai phạm ảnh hưởng tới dòng chảy...; bổ sung kịp thời vật tư, phương tiện, dụng cụ phục vụ chống lũ trên các tuyến đê; lập phương án sơ tán và bảo đảm đời sống cho nhân dân khi mưa, lũ úng ngập, nhất là bà con các khu vực ven sông, vùng thấp trũng.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm