"Các bộ cũng rê dắt, rê dắt hết chỗ này, rê dắt đến chỗ kia. Trong đá bóng thì rê dắt được, còn đây công việc chính cũng rê dắt…”.
Vấn đề thiết thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua cũng được cho là có nguyên nhân từ việc "đá bóng trách nhiệm" giữa các bộ, ngành, đơn vị. Ảnh: VGP |
Đây là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hôm 13.1 và hôm 14.1, ông lại nhắc ý này khi dự Hội nghị tổng kết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời người đứng đầu Chính phủ khi bày tỏ sự không hài lòng trước tình trạng một số việc bị các bộ đùn đẩy, "đá qua đá lại", sợ trách nhiệm: "Nếu cán bộ quan liêu thì mất thời gian. Hiện nay cứ đá lên đá xuống, ông nào cũng sợ trách nhiệm. Trách nhiệm bộ nào thì bộ đó phải làm, phải nói, được hay không được thì phải nói, không thể cứ đá lên đá xuống".
Chuyện các bộ đùn đẩy “đá qua đá lại” không phải là câu chuyện mới, ít nhất có hai lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống người dân được phản ánh nhiều trong năm qua là đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và điều hành giá xăng dầu.
Sâu xa, là vấn đề sợ trách nhiệm từ phía cán bộ. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đã rất thẳng thắn đề cập, rằng: "Tôi không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này”.
Đại biểu nói thêm, có người cho rằng bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai không, nếu sai thì không biết sai ở chỗ nào; thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Khách quan là quy định pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng. Chủ quan là năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, lại thụ động chờ ý kiến cấp trên…
Bóng đá giống với công việc ở chỗ là đòi hỏi mỗi người tham gia phải quyết tâm chiến thắng, hoàn thành mục tiêu chung. Nhưng khác nhau là cách để thực hiện mục tiêu ấy. Trong bóng đá, cầu thủ có thể rê dắt, lừa bóng, chiến thuật có thể là ban bật nhiều. Nhưng trong công việc thì chuyền bóng, rê dắt hay bật qua bật lại không chỉ làm tốn thời gian, tiền bạc mà còn giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Kết luận số 14 năm 2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được coi như “liều thuốc quý” để giải quyết căn bệnh sợ trách nhiệm. Nhưng nếu tập thể, ở đây là các bộ, ngành cũng rê dắt, đá bóng thì làm sao cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân?
Theo Hoàng Lâm (LĐO)