Thời sự - Bình luận

Khích lệ công chức nhận việc khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nếu thử đặt mình vào vai một công chức tích cực, năng động đang rất muốn dấn thân nhận "việc khó" để đóng góp vì việc chung, có thể bạn sẽ đối mặt với hàng loạt những câu hỏi không dễ trả lời.

Những câu hỏi đầu tiên: Thế nào là "việc khó"? Liệu có phải "việc khó" là việc thách thức về giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề? Hay "việc khó" là khó triển khai nếu không dám "vượt rào"? Hay "việc khó" là việc khó biết đúng sai, lúc này có thể đúng, lúc khác có thể bị xem là sai?

Câu hỏi thứ hai: Liệu đã thật sự có cơ chế giao "việc khó" cho người dám dấn thân chưa? Bên cạnh những văn bản, kế hoạch và phát biểu khuyến khích công chức nhận "việc khó" thì đã có những gạch đầu dòng cụ thể để mô tả cơ chế giao và tạo điều kiện để giải quyết "việc khó" hay chưa?

Một câu hỏi nữa, quan trọng hơn rất nhiều: Liệu có cơ chế nào đủ vững chắc để bảo vệ cho người dám dấn thân nhận "việc khó" hay không? Hay chỉ mới có lời hứa sẽ bảo vệ, sẽ tạo điều kiện nhưng lại chưa có trình tự pháp luật rành mạch và vững chắc được thiết lập để bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Thường làm "việc khó" thì đòi hỏi phải có giải pháp đột phá, quyết liệt, vượt qua cách làm cũ để có kết quả mới. Người thông minh sẽ đủ tự tin để lao vào tìm giải pháp, nhưng người sáng suốt có khi phải cân nhắc đến những hệ lụy không mong đợi. Chẳng hạn, nhận "việc khó" mà làm không thành thì sẽ ra sao? Hay là, tìm mọi cách để làm được "việc khó" lúc này rồi lúc khác có bị truy vấn trách nhiệm "vượt rào" hay không?

Theo đó sẽ còn nhiều câu hỏi nữa được đặt ra trong tâm trí, trong nỗi lòng của những công chức tâm huyết muốn nhận "việc khó". Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự cụ thể, rõ ràng trong kêu gọi, khuyến khích công chức nhận "việc khó".

Một hệ thống quản trị muốn đạt được hiệu quả thật sự thì không thể chỉ dựa vào các phát biểu hay những điểm chưa rõ ràng mà phải được giải mã và giải nghĩa rành mạch bằng cơ chế, bằng chính sách, bằng quy định pháp lý thật cụ thể. Chí ít cũng nên như cách mà Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND do HĐND TP.HCM ban hành, giúp định ra những nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và chính sách đãi ngộ để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP.HCM có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2024.

Cũng nên nói thêm, chỉ với một mình Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND chắc chắn chưa thể đủ để thu hút nhiều người giỏi vào bộ máy nhà nước, chứ chưa nói đến người tài. Vẫn còn hàng loạt những vấn đề khác về trọng dụng sau khâu tuyển dụng chưa được xác lập cũng như còn những rào cản có thể gây khó cho hành trình đóng góp của người tài, người dám dấn thân bất cứ lúc nào.

Có thể bạn quan tâm