Xã hội

Đời sống

Khó khăn trong thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhưng nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai vẫn gặp khó khăn trong công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Kết quả bước đầu

Để giảm thiểu tác động môi trường của bao bì thuốc BVTV, UBND huyện Đak Đoa đã đầu tư xây dựng các khu lưu chứa với thể tích 18-20 m3 rác, tương ứng với mỗi xã xây dựng khoảng 20 bể chứa và bố trí kinh phí hợp đồng với đơn vị đủ chức năng tiến hành thu gom, xử lý.

Đến nay, xã Glar (huyện Đak Đoa) đã xây dựng được 13 khu lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Thành Thoại-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Đak Đoa-thông tin: Đến nay, huyện đã xây dựng được 92 bể chứa với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Mỗi năm, các địa phương trong huyện hợp đồng thu gom khoảng 10 tấn bao bì thuốc BVTV với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng.

Nhờ triển khai giải pháp trên, đến nay, Đak Đoa có 8 xã đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Nói về công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn, ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho hay: Đến nay, xã đã xây dựng được 13 khu lưu chứa với thể tích 18 m3 rác. Hàng năm, xã bố trí kinh phí hợp đồng với đơn vị đủ chức năng để thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV.

Còn ông Nguyễn Thanh Phú-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang thì thông tin: Xã đã xây dựng được 9 khu lưu chứa với thể tích chứa rác 18 m3. Các bể chứa được đặt ở những vị trí có nhiều diện tích cây trồng tập trung và bên cạnh các tuyến đường chính để tạo thuận lợi cho người dân trong việc bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Mỗi năm 1 lần vào dịp cuối năm, xã hợp đồng với đơn vị đủ năng lực thu gom, xử lý theo quy định với kinh phí gần 20 triệu đồng.

Chỉ tay vào khu lưu chứa, ông Tưnh-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hnap (xã Kdang) nói: Từ khi xã xây dựng khu lưu chứa, người dân không vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi nữa mà đều bỏ vào bể chứa theo quy định.

Còn bà Nai (làng Hnap) thì cho hay: “Gia đình tôi có gần 3,5 ha cà phê. Mỗi năm, tôi sử dụng 2 đợt thuốc BVTV để trị rệp sáp và chống rụng quả. Sau mỗi lần sử dụng thuốc BVTV, tôi đều thu gom bỏ vào bể chứa”.

Huyện Chư Prông cũng triển khai nhiều giải pháp trong thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV. Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng TN-MT huyện-cho hay: “Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 443 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Mỗi năm, huyện hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý với khối lượng 2-3 tấn bao bì thuốc BVTV. Từ năm 2024, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn chủ động hợp đồng với đơn vị đủ năng lực để thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

Trao đổi với P.V, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho hay: Thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng bể chứa và hợp đồng với đơn vị đủ chức năng, năng lực thu gom, xử lý.

Các địa phương thực hiện tốt công tác này như: thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và các huyện: Đak Đoa, Kbang, Ia Grai, Chư Prông. Đến nay, toàn tỉnh có 94/180 xã đạt chỉ tiêu 17.7 trong xây dựng nông thôn mới.

Vẫn còn khó khăn

Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Chư Sê đã đầu tư xây dựng được 220 bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại 14 xã với tổng kinh phí trên 660 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người dân bỏ bao bì thuốc BVTV không đúng nơi quy định, nhiều trường hợp còn bỏ lẫn rác thải sinh hoạt vào bể thu gom.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ TN-MT thì bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, huyện vẫn chưa hợp đồng với đơn vị đủ chức năng, năng lực thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Thanh Phú-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang chỉ tay về khu lưu chứa đặt tại làng Hnap. Ảnh: Nhật Hào

Trong khi đó, bà Phan Thị Ngọc Phượng-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Mang Yang-cho biết: Hiện vẫn còn 4 xã chưa xây dựng bể thu gom bao bì thuốc BVTV gồm: Lơ Pang, Đê Ar, Kon Chiêng và Đăk Trôi.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bố trí kinh phí xây dựng bể chứa và hợp đồng với đơn vị đủ chức năng, năng lực để thu gom, xử lý theo quy định và đảm bảo lộ trình theo Đề án “Đánh giá hiện trạng thu gom xử lý, xây dựng mô hình thu gom và đề xuất giải pháp xử lý bao bì thuốc BVTV trên địa bàn huyện Mang Yang”.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm: Hiện nay, công tác thu gom bao bì thuốc BVTV đang gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do các địa phương gặp khó khăn về kinh phí. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có đơn vị đủ chức năng, năng lực phù hợp để xử lý bao bì thuốc BVTV theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

“Để thực hiện tốt công tác thu gom bao bì thuốc BVTV, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm bố trí thêm kinh phí xây dựng bể thu gom đảm bảo số lượng theo quy định. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về mục đích, cách sử dụng khu vực lưu chứa, bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cần hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai công tác thu gom bao bì thuốc BVTV theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT nhằm hoàn thành tốt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới”-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm