Khó thực thi đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000 do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 16-4, một trong những bất cập được nhiều đại biểu nhắc tới là việc triển khai và thực thi Luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Là một tỉnh có đến 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống, Gia Lai cũng gặp những khó khăn nhất định liên quan đến vấn đề này.
 

 

Ông Ngô Khắc Ngọc-Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Trong 12 năm qua, từ khi Luật HN-GĐ năm 2000 có hiệu lực, tỉnh ta đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về HN-GĐ… góp phần củng cố và giảm thiểu những vấn đề tiêu cực cũng như các mặt trái trong mối quan hệ về HN-GĐ. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật HN-GĐ ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, nhất là việc áp dụng phong tục, tập quán về HN-GĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, ông Ngọc lý giải: Đa số đồng bào dân tộc thiểu số đều có trình độ dân trí thấp nên vẫn tồn tại ý thức coi trọng phong tục, tập quán hơn pháp luật của Nhà nước, các hành vi ứng xử về HN-GĐ thường được tuân thủ theo luật tục. Do vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong việc kết hôn, ly hôn, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con hoặc bất bình đẳng nam nữ trong quan hệ hôn nhân… Chẳng hạn, trường hợp người mẹ mới sinh con mà chết sớm thì người con phải chết theo mẹ; con sinh ra mà không có cha thì bị giết chết hoặc một số trường hợp sinh đôi thì phải giết một trong 2 người con sinh đôi…

Ngoài ra, phong tục của người Jrai, Bahnar không quy định độ tuổi kết hôn, hầu như chỉ căn cứ vào vóc dáng bên ngoài. Việc kết hôn của họ chỉ cần già làng công nhận là đủ chứ không đăng ký tại UBND xã. Kể cả ly hôn cũng thế, khi không muốn chung sống với nhau nữa thì họ cũng không đưa ra pháp luật mà tự xử trong làng, chỉ cần già làng đồng ý thì hai vợ chồng được bỏ nhau và có quyền kết hôn với người khác.
 

 

Không những thế, cộng đồng các dân tộc Jrai và Bahnar theo chế độ mẫu hệ nên con gái được coi trọng hơn con trai. Khi cha mẹ mất thì chỉ có con gái mới được hưởng di sản thừa kế, con trai thì không. Và tình trạng này cũng diễn ra ngược lại đối với một số dân tộc theo chế độ phụ hệ. Quyền hưởng di sản thừa kế của cha mẹ của những người con trong gia đình vì vậy cũng thiếu sự công bằng và sai pháp luật (phân biệt đối xử giữa các con).

Cũng theo ông Ngọc, phong tục, tập quán là những điều đã ăn sâu trong suy nghĩ, trong nếp sống của các đồng bào dân tộc thiểu số từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vì thế, muốn thay đổi những luật tục không phù hợp với quy định trong Luật HN-GĐ không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến còn phải nâng cao trình độ dân trí, dần dần cải thiện nhận thức của người dân về pháp luật HN-GĐ, về sự cần thiết của việc khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn…

Song song với đó, tỉnh cũng đã đề xuất với Trung ương trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật, cần nghiên cứu để có thêm cơ chế điều chỉnh đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc vận dụng phong tục, tập quán về HN-GĐ, sao cho vừa phát huy được vai trò của phong tục, tập quán, vừa đảm bảo hiệu lực của Luật HN-GĐ.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm