Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Khoảng xanh mơ ước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mảnh đất gần 2 sào ấy có thảm mặt toàn cỏ lông heo. Sự hiện diện của loại thực vật này cho tôi biết rằng bên dưới là một kiểu đất rất xấu. Ngoài ra, rải rác vài bụi cỏ lào, không một bóng cây tự nhiên nào sống được. Gia đình tôi quyết định rời phố về ngụ cư ở ngoại ô thành phố, trên mảnh đất khô cằn này những mong tìm một không gian trong lành, an tĩnh khi tuổi tác đã qua phần dốc bên kia của cuộc đời. Vậy nên chúng tôi bắt tay cải tạo không gian sống cho tổ ấm của mình.
Dân kinh doanh chuyên cung cấp cây trồng rất nhanh nhạy. Họ tìm đến khi vừa thấy tôi mở móng nhà để tiếp thị các loài theo nhu cầu, từ bằng lăng, thông thế, sưa đem từ rừng về đến osaka, sa kê, móng bò... ngoại nhập. Tất cả đều thuộc hàng cổ thụ, bảo hành đến 1 năm, cây không sống thì 1 đổi 1.
Nhưng tôi không thích dạng “di thực” này. Vậy là, bỏ công tự mình chọn loài và tự trồng từ cây giống 1 năm tuổi có chiều cao trên dưới 1 m. Phía trước nhà là một khoảng đủ rộng để có sự hiện diện của hơn chục cây bóng mát với thông ba lá, osaka, sake, sơ ri Gò Công và mận An Phước, xen lẫn kha khá hoa các loại, cũng chỉ là các loại phổ biến, không tốn kém; riêng hoa hồng hơi tốn công sưu tầm và chấp nhận bỏ ra ít nhiều chi phí. Phía sau là vài chục cây ăn quả, đủ loại như: xoài, ổi, hồng xiêm, sầu riêng, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, mít… Mảnh vườn này dành cho con cháu mỗi lần về, bạn bè đến chơi có thêm khoảng không gian trong lành, yên tĩnh để nghỉ ngơi, vui vầy chứ chẳng vì mục đích kinh doanh.
Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn
Vào việc rồi mới thấy không hề đơn giản chút nào. Trên cái nền đất đỏ bazan đã bạc màu ấy, để cây cối nhà mình phát triển bằng chị bằng em như mong muốn cũng kỳ công lắm. Gần như phải thay vài tấc lớp đất mặt tại chỗ đã không còn khả năng giữ nước, mới tưới ban sớm đến trưa đã khô khốc nứt toác, phân hữu cơ 4 lần/năm và gia giảm NPK vô cơ lẫn vi lượng đều đặn.
Cây tăng trưởng như ý, cành lá mơn mởn là bắt đầu đối đầu sâu bệnh, cây nào sâu nấy, mùa nào bệnh nấy. Trông cái cảnh mấy cây xoài đang đâm chồi nẩy lộc đỏ quạnh đầu nhánh, qua một đêm trụi lủi trơ cuống, khi điều kiện thời tiết phù hợp, nấm bệnh đủ loại tấn công làm xơ xác mấy bụi hồng mà xót xa, lại phải quyết định cầu viện các loại thuốc bảo vệ thực vật, thứ mà tôi cố gắng để không phải sử dụng chúng.
Để trồng được 1 cây, chăm sóc, bảo vệ, nâng niu cho đến lúc trưởng thành là một kỳ công. Chợt nghĩ đến những cánh rừng đại ngàn hùng vĩ, những đồi hoa vàng rực màu được thiên nhiên nuôi dưỡng, con người chẳng bỏ chút công... sao không biết gìn giữ cho đời sau.
Ba năm vui thú điền viên là từng ấy thời gian tôi túc tắc chăm sóc, nâng niu từng gốc cây. Thông ba lá và mít là hai loài ít đỏng đảnh nhất, lớn nhanh, sau 3 năm đã cao 7-8 m, tô nhanh sắc xanh cho khu vườn. Khá nhiều bạn bè sau 3 năm ghé lại đã dành cho tôi sự trầm trồ qua những đổi thay này, đó là một niềm vui đối với một người rất yêu quý, trân trọng sắc xanh của lá, của cây...
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm