Thời sự - Bình luận

Khôi phục niềm tin cho thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP, trong đó có quy định nhằm tháo gỡ ách tắc việc cấp giấy chủ quyền cho loại hình “không phải đất ở” gồm căn hộ văn phòng (officetel), căn hộ nghỉ dưỡng (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng… nằm trên đất thương mại dịch vụ, được giới bất động sản (BĐS) và đông đảo người dân đón nhận tích cực.

Một lãnh đạo của Hiệp hội BĐS TPHCM phân tích, cho dù các quy định trước đây đã có nhưng các địa phương vẫn “chưa dám” cấp giấy chứng nhận cho condotel, officetel. Nay với quy định tại Nghị định số 10 thì sở TN-MT cấp tỉnh đã có đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Một số doanh nghiệp khẳng định, đây là “bước tiến quan trọng” trong việc tháo gỡ khó khăn, khôi phục niềm tin cho thị trường BĐS, bởi thực tế lâu nay người mua vẫn được khai thác kinh doanh du lịch trên căn hộ hoặc biệt thự của mình nhưng về pháp lý lại gần như trói quyền sở hữu của người mua: không được cấp giấy chứng nhận nên không được thế chấp để vay vốn, tài sản.

Một dự án chung cư tại TP Thủ Đức.

Một dự án chung cư tại TP Thủ Đức.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 90.000 căn hộ officetel, condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ra đời đã lâu tới đây sẽ được cấp “giấy khai sinh” và hoạt động chính danh. Việc cấp giấy chủ quyền coi như cơ bản kết thúc vòng đời của dự án. Lúc đó, trách nhiệm của chủ đầu tư đối với nhà nước, khách hàng đã kết thúc; người mua nhà cũng được trọn quyền khai thác sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 10 tiếp tục là một nỗ lực từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung, cùng với với hàng loạt chính sách được ban hành trong thời gian ngắn trước đó, như: Nghị quyết “về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”; Công văn “về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường BĐS”, Công điện “về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và BĐS”; Nghị định “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”; Quyết định phê duyệt Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”… Việc thúc ép tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS là hết sức kịp thời. Bởi lẽ, vốn liếng của xã hội đã “chôn” rất nhiều vào BĐS, là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế rơi vào trì trệ. Khi khối “máu đông” BĐS được “rã băng” sẽ góp phần giúp nền kinh tế sôi động trở lại.

Tất nhiên, bất kỳ một chính sách nào mang lại hiệu quả đều phải có sự chung tay, đồng lòng của các bộ ngành, đặc biệt là triển khai thực thi của các địa phương. Từ thực tế cho thấy, vướng mắc của các dự án BĐS muôn hình vạn trạng. Muốn sớm được cấp sổ, các dự án cần có sự tham gia tháo gỡ ngay từ sớm, từ đầu của địa phương; nếu vướng mắc vượt cấp phải có hướng dẫn xử lý kịp thời của các bộ ngành. Chỉ cần một mắt xích bị khựng lại thì dự án bị “đứng hình”.

Mặt khác, nhìn ở góc độ bao quát, thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn đòi hỏi sự ứng biến nhanh nhạy, phù hợp trong công tác quản lý điều hành. Trong đó, việc Chính phủ, từng bộ ngành và địa phương nhanh chóng, quyết liệt ban hành các quy định mới thay thế các quy định đã “lỗi thời” là sự khẳng định cho một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững.

Có thể bạn quan tâm