Khởi sắc Ia Tul

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là xã khó khăn của huyện nghèo Ia Pa, nhưng Ia Tul đang cho thấy những tín hiệu đầy khởi sắc về phát triển kinh tế-xã hội. Để làm được điều đó phải kể đến chủ trương quan tâm đến công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số mà Đảng ủy xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua.

Những ngày giáp Tết này, các cánh đồng vốn khô cằn của xã Ia Tul đang được che phủ bởi màu xanh miên man của lúa non vụ Đông Xuân. Mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” khi trước, dưới bàn tay cần cù của con người đã bắt đầu được “thuần hóa” để cho ra hạt gạo trắng ngần. Cái đói, cái nghèo của Ia Tul cũng nhờ thế mà dần được đẩy lùi bởi người Jrai nơi đây đã biết làm kinh tế. Nhiều hộ đã nghĩ tới chuyện làm giàu trên chính thửa đất của mình chứ không chỉ quẩn quanh với từng hạt lúa rẫy, từng khóm mì còi cọc.

 

Nông dân xã Ia Tul đã biết sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: L.G

Đó là một sự chuyển biến lớn, một cuộc “cách mạng” trong nội bộ xã, cuộc cách mạng khởi đầu từ nhận thức. Ia Tul là xã vùng 3 với 95,8% là đồng bào dân tộc thiểu số với nhận thức còn hạn chế, tình hình an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội vẫn còn nhiều phức tạp. Bởi thế, muốn đổi thay bộ mặt của xã, phải đổi thay từ nhận thức của chính những người làm chủ mảnh đất này.

Xác định rạch ròi như vậy nên thời gian qua, Đảng ủy xã Ia Tul đã đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Đảng ủy xã, hiện toàn xã có 21/103 đảng viên là người dân tộc thiểu số sinh hoạt tại 11 chi bộ. 21 đảng viên như 21 “hạt giống đỏ” mà Đảng đã gây dựng được trong cộng đồng người Jrai. Từ những hạt giống này, những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước bắt đầu đi vào cuộc sống, đến từng buôn, làng, từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, làm thủy lợi... đều như có sợi chỉ đỏ dẫn đường, chỉ lối.

Theo báo cáo của Đảng ủy xã, năm qua, nhờ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư, nâng cấp, việc cung cấp giống cây trồng và chuyển giao khoa học-kỹ thuật được quan tâm chỉ đạo nên diện tích và năng suất cây trồng đều vượt kế hoạch, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng là 2.352 ha với tổng sản lượng lương thực ước đạt 6.589 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ; năng suất một số cây trồng đạt khá, như lúa đạt 63,2 tạ/ha, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 4 tỷ đồng. Nếu như thu nhập bình quân theo đầu người của xã năm 2010 là gần 9 triệu đồng/năm, thì đến đầu năm 2015 đã tăng lên 12,8 triệu đồng và đến năm 2020 phấn đấu tăng lên 18 triệu đồng.

Về giáo dục, trong năm học 2015-2016, xã có 25 lớp với 666 học sinh, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 98%; xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và giáo dục tiểu học. Tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm 4,6%, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 7,6% so với cùng kỳ. Qua công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện toàn xã có 192 hộ nghèo, chiếm 30,2%, giảm 11,3% so với năm 2014 và có 71 hộ cận nghèo chiếm 11,2%. So với các vùng thuận lợi, đó hẳn là những con số còn khá khiêm tốn; nhưng với một địa phương có xuất phát điểm thấp và còn nhiều khó khăn như Ia Tul thì đó rõ ràng là tín hiệu vui khi từng chủ trương, chính sách của Đảng đã dần được thực tế hóa.

Việc phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn để kết nạp đảng viên luôn được quan tâm. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Ia Tul đã kết nạp mới 43 đảng viên. Chị Siu H’Bar là đảng viên mới được kết nạp của thôn Bôn Tơ Khế chia sẻ: “Gia đình mình có 2 người vào Đảng rồi. Mới đây mình đã được kết nạp vào Đảng, mình vui lắm. Vào Đảng mình có nhiều cơ hội để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Là đảng viên rồi, mình phải gương mẫu, đi trước để con cháu trong gia đình cũng như dân làng noi theo”.

Lê Gia

Có thể bạn quan tâm