Thời sự - Bình luận

Khơi thông nguồn lực, giữ vững niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đối mặt với rất nhiều khó khăn, bằng nhiều giải pháp đúng đắn, Việt Nam vẫn là quốc gia có sự hồi phục mạnh mẽ nhất, và đặc biệt lạm phát được kiểm soát, vĩ mô ổn định...

Năm 2022, năm đầu tiên hậu Covid-19, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát phi mã tại nhiều quốc gia, tác động kép cả bên trong lẫn bên ngoài khiến nền kinh tế chao đảo: lãi suất cao, tỷ giá nóng, thị trường tài chính căng thanh khoản… Song, bằng nhiều giải pháp đúng đắn, chúng ta vẫn là quốc gia có sự hồi phục mạnh mẽ nhất, và đặc biệt lạm phát được kiểm soát, vĩ mô ổn định. Đây là yếu tố then chốt nhất để giữ vững được kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngắn hạn, các biện pháp chống tham nhũng, xử lý sai phạm, khởi tố các vụ án kinh tế… sẽ để lại những tổn thương, nhưng đó lại chính là liều thuốc đặc trị để chúng ta có được sự phát triển lành mạnh, bền vững trong dài hạn; để vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, dân giàu nước mạnh, dân chủ và văn minh.

Sản xuất ổn định đã góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.

Sản xuất ổn định đã góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tăng cường niềm tin của nhân dân, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh

Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp; là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Để chủ động phòng ngừa, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

(Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngày 30.6.2022)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới

Chặng đường 45 năm gia nhập Liên Hiệp Quốc từ 1977 tới nay đã chứng kiến đất nước Việt Nam hồi sinh từ đổ nát của chiến tranh, thực hiện Đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền kinh tế năng động, đạt mức thu nhập trung bình với Chỉ số Phát triển con người (HDI) ở mức cao. Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đang trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với khát vọng Việt Nam hùng cường, hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trên chặng đường đi lên đó, hợp tác với Liên Hiệp Quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả những hoạt động hợp tác với Liên Hiệp Quốc, đóng góp xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

(Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc; ngày 21.10.2022)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển

Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa; tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất trên tinh thần là bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; đặc biệt tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo.

(Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam; ngày 12.10.2022)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giám sát của Quốc hội phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển

Cần xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội; về mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập.

Giám sát của Quốc hội phải trên tinh thần hết sức xây dựng; phải phát huy cho được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, đánh giá cân bằng khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo, phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu là kiến tạo phát triển. Do đó, Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình.

(Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội; ngày 27.9.2022)

Có thể bạn quan tâm