Thời sự - Bình luận

Không chỉ trông chờ vào VEC!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc để Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam “ôm” tiếp giai đoạn mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành là quá sức!
Xe nối đuôi di chuyển chậm lên cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xe nối đuôi di chuyển chậm lên cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sân bay Long Thành đang dần thành hình hài, người dân phấn chấn, nhờ tốc độ thi công nhanh chóng. Đó là cơ sở để chủ đầu tư khẳng định sẽ đưa sân bay vào khai thác chậm nhất trong quý 3 năm 2026. Nhưng trái ngược với sự rầm rộ thi công sân bay Long Thành thì việc mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành đến nay vẫn nằm trên giấy!

Dự án sân bay Long Thành, công trình trọng điểm quốc gia, được xem là “trái tim” của khu vực, không chỉ giải phóng sự tắc nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất mà trở thành động lực tăng trưởng mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc nộp ngân sách của 3 địa phương trong năm 2023 liên quan trực tiếp đến sân bay Long Thành minh chứng cho điều này: TPHCM nộp hơn 446.000 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai nộp hơn 58.000 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nộp gần 90.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực dẫn tới nỗi lo bao trùm: kết nối sân bay Long Thành thế nào cho đồng bộ để khai thác hiệu quả, đặc biệt với TPHCM?

Trên thực tế, được mong chờ nhất là mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành, vì đã có mặt bằng sạch, chỉ cần đổ bộ thi công. Tuy nhiên, loạt bài “Gấp rút mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành”, trên Báo Sài Gòn Giải Phóng các ngày 18, 19, 20-3-2024 cho thấy, mặc dù phương án mở rộng đã có từ năm 2019 nhưng đến nay chỉ loay hoay tìm vốn. Việc loay hoay đó đều nhắm đến mục đích làm thế nào để cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục làm chủ đầu tư giai đoạn tiếp theo. Lý do đưa ra là, VEC đã làm chủ đầu tư giai đoạn 1 nên làm tiếp, nếu có đơn vị khác “nhảy vào” thì khó tách bạch việc thu phí…

Điều này trở nên trớ trêu, tuyến đường bận rộn nhất khu vực, là “con gà đẻ trứng vàng” mà lại đi loay hoay tìm vốn! Ở đây cần phải nói rằng, việc để VEC “ôm” tiếp giai đoạn mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành là quá sức!

Thứ nhất, VEC có vốn điều lệ 1.115 tỷ đồng mà làm chủ đầu tư của 5 đoạn đường cao tốc với tổng vốn đầu tư gần 105.000 tỷ đồng. Vì chưa đủ năng lực tài chính nên VEC phải tính toán các phương án để tìm vốn, hệ quả là không biết khi nào dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành mới được chính thức thi công.

Thứ hai, địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp nhìn thấy rõ sự bức bách, đã nhiều lần kiến nghị lên Trung ương mở rộng gấp tuyến cao tốc. Thực tế đã rõ, không phải ngay lúc này mà những năm trước, không chỉ vào ngày lễ, tết, dịp cuối tuần mà thường xuyên tuyến đường này đã bị quá tải.

Thứ ba, khi sân bay Long Thành hoạt động, cộng với sự tăng trưởng liên tục của khu vực, nếu thi công chậm trễ sẽ biến con đường này trở thành nút thắt cổ chai nghiêm trọng, gây nên nỗi bức xúc của người tham gia lưu thông.

Giải pháp ở đây, phải xem VEC là một trong những nhà đầu tư, phải có đủ năng lực, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài. Tiếp theo, nên gộp dự án cũ đang khai thác và dự án mới thành một gói; minh bạch con số thu phí trên đường cao tốc bằng kiểm toán, để có con số chính xác kêu gọi đầu tư. Cuối cùng, tổ chức đấu thầu rộng rãi, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Lúc đó, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là tập trung công tác kiểm tra chất lượng, đảm bảo tiến độ.

Từ câu chuyện nói trên cho thấy, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan: thiếu sự đồng bộ khi triển khai các công trình hạ tầng không chỉ việc mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành ì ạch mà ngay cả dự án đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành cũng nằm trên giấy; rồi đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài cũng chưa nhúc nhích! Nếu người dân Tây Ninh có nhu cầu bay từ sân bay Long Thành, với tình trạng giao thông như hiện nay sẽ đi bao lâu? Các bộ ngành liên quan phải tăng cường công tác dự báo, đề xuất phương án đầu tư, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc nếu có bởi các quy định của pháp luật còn bất cập... Khi việc làm đặt lợi ích của người dân, của quốc gia lên trên hết sẽ có được sự đồng thuận cao.

Có thể bạn quan tâm