(GLO)- Chưa bao giờ chuyện chống tham nhũng lại được nói nhiều như lúc này. Điều đó thể hiện rất rõ tại các cuộc tiếp xúc cử tri trong tuần qua khi khá nhiều ý kiến của cử tri đều tỏ rõ sự quan tâm đến nạn tham nhũng hiện nay. Đó cũng là thông điệp mà Hội nghị toàn quốc về công tác phòng-chống tham nhũng diễn ra đầu tuần này tại Hà Nội: Không ai được phép chùn bước, cho dù chống tham nhũng là một cuộc chiến đầy cam go.
Nhìn lại 5 năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ XII tới nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng, gần 1.300 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, trong đó có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, 9 Ủy viên Trung ương hoặc nguyên Ủy viên Trung ương. Đặc biệt là đã khai trừ Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Cùng với kỷ luật Đảng, nhiều quan chức phải mất ghế và bị pháp luật nghiêm trị.
Ảnh internet |
Nhưng hiệu quả thực sự của cuộc đấu tranh chống tham nhũng thể hiện ở số vụ đại án bị khởi tố với hàng loạt “con cá lớn” sa lưới. Trong số 58 vụ án, 36 vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ, 440 bị cáo với các bản án nghiêm khắc. Trong đó đã tuyên phạt 11 án tử hình, 20 án tù chung thân. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xét xử sơ thẩm 21 vụ với 263 bị can, 3 bị cáo lãnh án tử hình, 9 bị cáo lãnh án chung thân.
Mới nửa nhiệm kỳ mà số vụ án tham nhũng đưa ra xét xử đã nhiều gấp 3 lần và số tiền thu lại được nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây. Con số ấy cho thấy, Đảng ta đã nói là làm và làm quyết liệt, truy đuổi bọn sâu mọt đến cùng, bắt chúng phải đền tội, phải trả lại những gì đã đục khoét của dân, của nước. Điều đó đã dần lấy lại niềm tin của nhân dân về một Đảng cầm quyền trong sạch, không tham nhũng, mà người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần khẳng định trước cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Dẫu biết rằng phải kỷ luật, phải truy tố những người từng là đồng chí, anh em với mình là điều hết sức khó khăn, đau đớn. Nhưng vì một cơ thể khỏe mạnh, không thể không cắt bỏ những gì đã là ung nhọt. Không chỉ nguyên lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng lớn mà cả một số người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đại biểu Quốc hội, thậm chí là ở những lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như Công an, Quân đội, hễ dính đến tham nhũng thì đều đã và đang phải đối mặt với pháp luật. Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng rõ ràng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Đừng bao giờ kỳ vọng sẽ quét sạch tham nhũng một cách tuyệt đối. Chỉ là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này mà thôi. Bởi lẽ, quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, mà lạm dụng quyền lực để tham nhũng là hành vi phổ biến nhất. Vì vậy, một cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu là cách tốt nhất để cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy thành công.
Bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định về kiểm soát thu nhập, xử lý tài sản bất minh, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, xây dựng hình ảnh “bàn tay sạch” trong các cơ quan chức năng phòng-chống tham nhũng với những cán bộ thực sự liêm chính, trọng liêm sỉ, không bị lợi lộc cám dỗ, mua chuộc thì còn cần chú trọng hơn nữa vai trò giám sát của xã hội và báo chí, để những con sâu, thậm chí là những bầy sâu tham nhũng, dù là dưới vỏ bọc nào, cũng không thể thoát được tai mắt của nhân dân, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới và niềm mong đợi của nhân dân.
Nguyễn Vân