Ngày 11-4, sau hơn một tháng xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác, Hội đồng xét xử của TAND TPHCM đã ra bản án sơ thẩm.
Đây là một vụ “đại án” về kinh tế được đưa ra xét xử và cũng là án “trọng điểm” về tham nhũng với nhiều bị cáo bị kết án về các tội danh liên quan đến hành vi tham nhũng như tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...
Bản án để lại nhiều điều đáng suy ngẫm nhưng có thể nói đây chính là sự thể hiện rõ nét và sinh động của tư tưởng “biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, nói đi đôi với làm”; của “kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý”; của “đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực” trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, các hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo tại bản án sơ thẩm này là minh chứng rõ ràng cho việc thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của Đảng về công tác chống tham nhũng:“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Trước hết, đó là việc xử lý nghiêm các cán bộ cấp cao của Nhà nước. Họ phải nhận những hình phạt nghiêm khắc bởi “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” - hành vi tham nhũng (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.
Vụ án này đã áp dụng hình phạt rất nghiêm đối với hành vi vi phạm liên quan đến các tội tham nhũng của nhiều cán bộ và lại là những cán bộ giữ các chức vị quan trọng. Đó là bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn Thanh tra) bị xử phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị xử phạt 11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…
Tư tưởng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” còn thể hiện ở việc, không những xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, mà còn xử lý đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Cụ thể, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp mức án là tử hình.
Có thể thấy, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, đây là lần đầu tiên tòa án áp dụng hình phạt tử hình xử lý đối với tội “Tham ô tài sản” ngay cả đối tượng ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Tính chất đặc biệt này một lần nữa thể hiện tư tưởng chống tham nhũng gắn liền với xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, là cán bộ cấp cao của Nhà nước hay là người ngoài khu vực nhà nước.
TS DƯƠNG HỒNG THỊ PHI PHI - Phó Trưởng Bộ môn phụ trách
Bộ môn Lịch sử Nhà nước & Pháp luật, Trường Đại học Luật TPHCM