"Không đâu bằng chính quê hương mình"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Không ở đâu bằng chính quê hương mình”-đó là khẳng định của ông Phạm Nông-nguyên là lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đang định cư ở Mỹ (Carlsbad, quận San Diego, Nam California) từ năm 2008 theo diện bảo lãnh. 4 lần trở về Việt Nam thăm quê hương và ông đã tận thấy sự đổi thay từng ngày ở một đất nước Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình.

Có lẽ ngẫu nhiên đúng dịp 30-4 năm nay, ông Phạm Nông trở về Việt Nam lần thứ tư thăm người thân của mình trong kỳ nghỉ dài ngày bắt đầu từ Sài Gòn, Quảng Ngãi và Gia Lai. Trong những ngày lưu lại nhà người anh ruột của mình là ông Phạm Sỹ (đường Nguyễn An Ninh, phường Ia Kring, TP. Pleiku), tình cờ tôi gặp và ông đã chia sẻ trong những câu chuyện thật cởi mở, chân tình.

 

 Ông Phạm Nông (bên trái, mặc áo pun sọc). Ảnh: Huỳnh Lê
Ông Phạm Nông (bên trái). Ảnh: Huỳnh Lê

Một số người Việt ít thông tin ở quê nhà

Mở đầu câu chuyện trong tâm trạng cảm xúc, ông Phạm Nông chia sẻ: “Cứ mỗi lần về Việt Nam, đặt chân xuống Sân bay Tân Sơn Nhất bản thân tôi lại bồi hồi khó tả về tình cảm quê nhà trước sự phát triển năng động của thành phố với những con đường mở rộng, đường cao tốc, cầu vượt, những ngôi nhà chọc trời và những con kênh đen ngày nào nay được trả lại một màu xanh”. Theo ông, đối với nhiều người Việt xa quê hương sau 30-4-1975 do điều kiện kinh tế nên phần đông họ ít trở về thăm Việt Nam từ đó họ không có nhiều chính kiến những đổi thay của đất nước sau ngày giải phóng.

Đặc biệt rất nhiều người ra đi giai đoạn 1976-1985, phần lớn tài sản của họ mang theo bị mất do bị hải tặc, các chủ thuyền đưa ra nước ngoài chiếm đoạt nên gần như trắng tay. Khi qua nước Mỹ họ phải bắt đầu làm lại cuộc sống mưu sinh. Do phần lớn những người định cư tại Mỹ trình độ hạn chế, bất đồng ngôn ngữ nên thường phải làm những công việc phổ thông như: ô sin, dọn vườn, lượm ve chai, nhân viên quảng cáo, giặt ủi và 90% phụ nữ thì làm nghề nail (móng tay)...; một phần thế hệ thứ hai có trình độ chuyên môn hơn thì được tuyển dụng vào làm công nhân dây chuyền trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Nhìn chung những người làm trong các nhà máy công nghiệp và làm nail thì cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng luôn bị áp lực trong công việc. Những đối tượng được tuyển dụng vào làm văn phòng công sở, các cơ quan hành chính chiếm tỷ lệ rất ít. “Hơn nữa, sống ở nước Mỹ mọi chi phí trong cuộc sống đều đắt đỏ, pháp luật quản lý chặt chẽ và phải đóng nhiều khoản phí về dịch vụ, môi trường... Chính cuộc sống mưu sinh vất vả làm cho họ ít có điều kiện nắm bắt thường xuyên thông tin qua truyền thông, báo chí về những đổi mới phát triển đất nước ở Việt Nam”-ông Nông cho biết.

Chứng kiến đổi thay từng ngày

Vừa tốt nghiệp tú tài toàn tại Trường Trung học Trần Quốc Tuấn (thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) thì ông Phạm Nông bị bắt tổng động viên quân dịch vào mùa hè năm 1972.

Sau giải phóng 4-1975, ông Phạm Nông đi cải tạo một thời gian rồi trở về lập gia đình và sinh sống tại Trảng Bom 2 (Đồng Nai). Nhờ có kiến thức ông được chính quyền địa phương giao làm Trưởng ban Quản lý chợ Trảng Bom 2 trong thời gian 17 năm trước khi định cư qua Mỹ theo diện bảo lãnh từ phía gia đình vợ.

Từng sống ở Pleiku nên ông biết rõ trung tâm thị xã ngày chỉ “đi dăm phút trở về chốn cũ”. Ngày ấy Pleiku hoang sơ với những căn nhà dù lụp sụp nơi trung tâm. Các khu vùng ven với nhiều đồn bốt lính, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Ngày trở lại thăm mảnh đất Gia Lai lần này, ông Nông cũng chia sẻ: “Mỗi lần về là một lần tận thấy diện mạo đổi thay của Pleiku (ông trở lại Gia Lai vào các năm 2010, 2012, 2014 và 2015). Thành phố hôm nay được mở rộng với nhiều công trình công cộng; các khu ven trung tâm, các khu dân cư mới tập trung phát triển hình thành nhà vườn, nhiều điểm cà phê trong không gian kiến trúc đẹp... đang tạo dấu ấn riêng của một Phố núi Pleiku.

Theo ông, khi chưa một lần về thăm Việt Nam thì hãy đừng áp đặt một lời nhận xét để rồi đem đến sự chia rẽ chính trong mỗi lòng người. Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống đói nghèo, mọi người lầm than, cơ cực. Nay đất nước được hòa bình, đời sống dân sinh ngày một nâng cao là điều thật đáng quý, đáng trân trọng. “Hãy góp phần và hãy nói thật lòng bằng chính cái tâm lòng mình những gì đã thấy”-ông trải lòng.

Huỳnh Lê

Có thể bạn quan tâm