(GLO)- Cách đây 1 tuần, nhiều tờ báo đưa tin tại xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng), gia đình một hiệu trưởng trường tiểu học đã dựng rạp choán gần hết mặt đường liên xã suốt 3 ngày đêm để làm đám cưới cho con gái.
Hệ quả là trong khi gia đình này vui với hạnh phúc của con mình thì những người dân đi qua đoạn đường trên gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải quay đầu đi vòng xa thêm hàng cây số. Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết, việc dựng rạp như vậy là sai, xã cũng đã nhắc nhở nhưng gia đình nói không còn vị trí nào để dựng rạp nữa.
Trường hợp dựng rạp đám cưới ngay giữa lòng đường bị báo chí “điểm danh” nói trên có thể chỉ vì nó quá “chướng tai gai mắt” chứ trong thực tế, tình trạng này xuất hiện ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Mà không chỉ đám cưới, người ta có thể dựng rạp choán hết phần vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường khi gia đình có đám tang, tân gia, khai trương cửa hàng hay đủ loại lý do khác. Ngay như ở Gia Lai, dọc các tuyến quốc lộ 14, 19, 25 cũng thường xuyên xuất hiện những khung rạp đám cưới, đám tang dựng tràn ra mặt đường. Còn ở các con hẻm khu dân cư, không kể việc riêng gia đình hay việc chung của cộng đồng, nhiều khi khung rạp cũng dựng kín hết mặt đường bất kể sáng, trưa, chiều, tối.
Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép, tức là không dùng vào mục đích giao thông. Còn theo Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26-5-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.
Quy định pháp luật đã rõ ràng như vậy nhưng tại sao hành vi vi phạm này vẫn diễn ra tràn lan ở khắp nơi? Câu trả lời trước tiên thuộc về ý thức của người dân. Rất nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn có suy nghĩ rằng đây là việc được làm hoặc “người ta làm được thì mình cũng làm được”. Thế nên chẳng băn khoăn suy nghĩ, áy náy gì khi gia đình mình, cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống “tạm” chiếm hè phố, lòng đường để dựng rạp đám cưới, đám tang, bày biện liên hoan, ăn uống. Một lý do khác khiến tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường còn diễn ra phổ biến là sự thiếu quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng địa phương trong xử lý hành vi này mà ví dụ dẫn ra ở phía trên là minh chứng rõ ràng nhất.
Việc lấn chiếm hè phố, lòng đường để dựng rạp khi hiếu, hỉ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà còn là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Trong thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi phương tiện ô tô lao vào các rạp đám cưới, đám tang dựng ven đường hay do tránh các rạp này mà tông vào phương tiện khác trên đường.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, ngày 24-4, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Công văn hỏa tốc số 858/UBND-NC về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trái quy định để tổ chức các hoạt động không vào mục đích giao thông; trong trường hợp sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè để tổ chức các hoạt động cộng đồng thì phải xin phép cơ quan chức năng và có phương án tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đúng quy định. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè. Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn dẫn đến tai nạn giao thông thì UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nêu gương không sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trái quy định để tổ chức các hoạt động không vào mục đích giao thông như cưới hỏi, liên hoan… làm cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; có biện pháp theo dõi, kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành…
Có thể thấy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm chấn chỉnh tình trạng sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trái quy định là một động thái hết sức cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Việc làm này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang mà còn đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không để “phép vua thua lệ làng” như lâu nay.
VĨNH PHÚC