Thời sự - Bình luận

Không để sách giáo khoa thành... giấy vụn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày đầu năm học này, không chỉ là vấn đề lạm thu hay học thêm, dư luận còn rất bức xúc về những tồn tại liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được nêu trong nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phụ huynh và học sinh lựa chọn sách, đồ dùng học tập cho năm học mới. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Phụ huynh và học sinh lựa chọn sách, đồ dùng học tập cho năm học mới. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành ngày 18/9/2023, trong giai đoạn 2015 - 2022, Nhà nước đã ưu tiên bố trí tổng kinh phí hơn 213 nghìn tỷ đồng để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có việc thay sách giáo khoa các cấp như thực tế đang diễn ra. Con số đó khiến không ít người giật mình, nhưng mấu chốt là sau từng ấy năm và tiêu tốn không ít ngân sách, đổi mới sách giáo khoa dường như vẫn lúng túng, còn nhiều bất cập, thậm chí có ý kiến nhận xét rằng đổi mới sách giáo khoa “đi một vòng rồi quay trở lại điểm xuất phát”.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2 - 4 lần giá bộ sách giáo khoa cũ. Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.

Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua. Đơn cử, mức chi phí phát hành tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022 - 2023, các con số tương ứng là 28,5% - 35% - 15%...

Quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Điều này tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Một tồn tại khác là sách giáo khoa mới được phát hành chậm, giáo viên ít có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học... Đó là chưa kể tới rất nhiều “hạt sạn” ở khâu biên soạn sách giáo khoa đã liên tục bị “bóc phốt” trong thời gian vừa qua.

Sách giáo khoa Cánh diều lớp 11 được đưa vào giảng dạy trong năm học 2023 - 2024. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Sách giáo khoa Cánh diều lớp 11 được đưa vào giảng dạy trong năm học 2023 - 2024. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Từ những hạn chế như vậy, một trong những ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa...

Cũng từ đây, tranh luận về một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và việc xã hội hóa làm sách giáo khoa nổ ra gay gắt. Trên các diễn đàn, có nhiều người ủng hộ quay về một bộ sách giáo khoa, còn xã hội hóa các sách tham khảo. Cũng có người phản đối việc “đập đi xây lại” vì như vậy quá lãng phí...

Ở đây, cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra thực hiện một bộ sách giáo khoa, hay tiếp tục thực hiện xã hội hóa như hiện nay, thì nhất thiết cần hướng tới người dân và học sinh, trong đó học sinh là chủ thể trung tâm của giáo dục. Một bộ sách giáo khoa tốt và loại bỏ được tính độc quyền (miễn phí bản quyền) là điều cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng, nếu cần thiết thì lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, nếu việc xã hội hóa cũng cho ra các sản phẩm tốt và mang tính cạnh tranh để hạ giá thành sách giáo khoa thì tại sao lại không?

Vấn đề là đừng để sách giáo khoa trút thêm gánh nặng chi phí cho phụ huynh, trong bối cảnh nhiều gia đình còn rất khó khăn, nhất là ở các vùng nông thôn,vùng sâu vùng xa. Đề nghị cần chấm dứt ngay tình trạng kinh doanh sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc”, để rồi nhiều cuốn sách trở thành giấy vụn sau khi kết thúc năm học, trong đó có cả những cuốn vẫn còn thơm mùi giấy vì rất ít được lật giở. Như thế là lãng phí nhân đôi.

Đặc biệt, đừng xem sách giáo khoa là một “miếng bánh” để ăn chia thị phần của các nhóm lợi ích hoặc để cho cơ chế xin - cho có cơ hội lũng đoạn. Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một bài học nhãn tiền. Rất nhức nhối, từ một chủ trương đúng đắn và nhân văn của Nhà nước, đến khi triển khai thực hiện lại bị trục lợi, làm méo mó hình ảnh của ngành giáo dục, gây nhiều hệ lụy tiêu cực tới người dân, môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, ngày 14/8/2023. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, ngày 14/8/2023. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ở đây có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm, sai sót trong thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn rằng để hạn chế các bất cập kéo dài như vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần sâu sát hơn, chứ không đợi đến khi “chuyện đã rồi” mới vào cuộc.

Ngành giáo dục cần sớm “hoàn thiện và ổn định hệ thống sách giáo khoa”, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Sách giáo khoa có ổn định thì mới tạo thuận lợi cho quá trình giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Nếu còn loay hoay thì còn gây bất an cho xã hội, tạo kẽ hở cho thất thoát, lãng phí.

Lãng phí từ sách giáo khoa không chỉ là lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, mà còn là lãng phí chi phí trang trải cuộc sống của mỗi gia đình, đặc biệt là lãng phí thời gian và cơ hội thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khi thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đã sắp khép lại. Vậy nên, hơn lúc nào hết, cần lắm những người làm sách giáo khoa không chỉ có tầm, mà còn có tâm.

Có thể bạn quan tâm