Báo xuân

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong hành trình đi tới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một vị trí vững vàng và quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại mà còn được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gắn chặt với đời sống cộng đồng, được cộng đồng tiếp nhận và nuôi dưỡng, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của tài sản văn hóa, là linh hồn của đời sống văn hóa mỗi tộc người bản địa trên vùng đất cao nguyên này.
 

 

Từ sau khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa đại diện của nhân loại (năm 2005), Gia Lai đã duy trì thường xuyên hoạt động liên hoan cồng chiêng cấp huyện và cấp tỉnh. Ở cấp tỉnh liên hoan cồng chiêng được tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần. Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 7 lần liên hoan cồng chiêng. Trong những liên hoan gần đây, Gia Lai đã mở rộng nội dung theo hướng liên hoan nghệ thuật dân gian để có thể thu hút và bảo tồn thêm nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo khác mà tỉnh chưa có điều kiện tổ chức thành những cuộc thi riêng như: sử dụng các nhạc cụ cổ truyền ngoài cồng chiêng, dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ dân gian… thu hút đông đảo nghệ nhân tham gia. Đây là một trong số ít những biện pháp hữu hiệu hiện nay nhằm duy trì thường xuyên việc dạy và học cồng chiêng tại cộng đồng. Ở cấp huyện, liên hoan cồng chiêng được tiến hành 2 năm 1 lần. Những huyện duy trì tốt nhất liên hoan cồng chiêng theo định kỳ của tỉnh như: Chư Pah, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Đak Đoa, Đak Pơ...

Một trong những hoạt động nổi bật không thể không nhắc tới chính là việc Gia Lai tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009-một cuộc hội tụ cồng chiêng quốc tế lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 63 đội (gồm 5 đội quốc tế, 35 đội của 23 tỉnh, thành trong cả nước; 23 đội cồng chiêng của Gia Lai), đại diện cho 6 quốc gia trong khu vực: Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Myanma và Việt Nam. Tại Festival, không gian văn hóa cồng chiêng thực sự được tôn vinh với hàng loạt các hoạt động, sự kiện diễn ra như: trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, tạc tượng, triển lãm, hội thảo khoa học về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Việt Nam cũng như việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Những năm gần đây, theo lời mời của các tỉnh bạn, của Trung ương, các đoàn cồng chiêng Bahnar, Jrai ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được tham gia: Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất tỉnh Hòa Bình; tham gia hoạt động luân phiên tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên; Ngày hội Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại Phú Yên…

 

 
Năm 2008, tỉnh ta đã hoàn thành việc điều tra cồng chiêng để có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Kết quả điều tra cho biết, toàn tỉnh hiện còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó có 932 bộ cồng chiêng quý hiếm.

Từ năm 2010 đến nay, từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng-tạc tượng cho các nghệ nhân, các học viên là con em đồng bào Bahnar và Jrai ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, mỗi năm mở một lớp. Riêng năm 2012, tại huyện Đak Đoa đã triển khai thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu niên Bahnar và Jrai tại 2 xã của huyện là: Glar và Hà Bầu trong thời gian 1 tháng. Điểm lại như thế để thấy, hoạt động truyền dạy di sản văn hóa cồng chiêng đã thực sự được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng, từng bước làm cho văn hóa cồng chiêng hồi sinh. Không chỉ thế, với quyết tâm nhằm đưa âm nhạc cồng chiêng đến với thế hệ trẻ Gia Lai, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các trường dân tộc nội trú trong tỉnh và Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai đã từng bước đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong chương trình học của học sinh, sinh viên.
 

Đối với Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, từ năm 2010, nhà trường đã đưa cồng chiêng vào chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật như: âm nhạc, múa, nhạc cụ và là môn tự chọn đối với các lớp nghiệp vụ: quản lý văn hóa, văn hóa du lịch.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm