Không hoàn thành mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông của tỉnh ta không đạt được khi số người chết và số người bị thương trong 10 tháng năm 2015 đã vượt con số của cả năm 2014.

Tai nạn giao thông tăng vọt

Sau khi kéo giảm đáng kể cả số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) trong năm 2014, bước sang năm 2015, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã giao chỉ tiêu cho tỉnh ta tiếp tục phải kéo giảm 5% TNGT so với năm 2014. Tuy không phải là một nhiệm vụ “bất khả thi” song đặt trong bối cảnh TNGT ở tỉnh ta những năm qua liên tục tăng-giảm thất thường, đây rõ ràng là một thách thức không dễ vượt qua. Và thực tế là ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2015, dù chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh đã hết sức nỗ lực triển khai nhiều giải pháp song TNGT vẫn gia tăng một cách hết sức đáng lo ngại. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ TNGT, làm chết 75 người, bị thương 41 người (tăng 50% số vụ, tăng gần 60% số người chết và tăng trên 24% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2014).

 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: V.P
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: V.P

Trong những tháng tiếp theo của năm 2015, tình hình TNGT ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rất đáng ghi nhận. Điển hình như trong tháng 10 (từ 16-9 đến 15-10), theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, toàn tỉnh chỉ xảy ra 10 vụ TNGT, làm chết 14 người và bị thương 6 người. Tuy nhiên, với việc TNGT tăng quá cao trong những tháng đầu năm, đến thời điểm này, TNGT ở tỉnh ta vẫn đang tăng vọt cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo đó, trong 10 tháng năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 181 vụ TNGT, làm chết 214 người, bị thương 150 người. So với cùng kỳ năm 2014, TNGT tăng 39 vụ (+27,46%), tăng 52 người chết (+32,1%) và tăng 48 người bị thương (+47,06%). Đáng chú ý, số người chết và số người bị thương do TNGT trong 10 tháng năm 2015 đã vượt con số của cả năm 2014 (vượt 3 người chết và 20 người bị thương). Điều này có nghĩa, tỉnh ta không đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT.
 

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 9 tháng năm 2015, Gia Lai là một trong 5 địa phương trong cả nước (cùng với các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Cà Mau và Bắc Cạn) để số người chết do TNGT tăng trên 20%.

Cũng theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 10 tháng năm 2015, cả tỉnh có 8 địa phương để TNGT tăng cả 3 tiêu chí gồm các huyện: Chư Sê, Kông Chro, Đak Pơ, Chư Prông, Chư Pah, Đak Đoa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Trong số này, Chư Sê là địa phương có số người chết do TNGT tăng cao nhất (trên 177%). Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 địa phương kéo giảm được cả 3 tiêu chí TNGT là Mang Yang, Đức Cơ và Chư Pưh.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Việc TNGT 10 tháng năm 2015 tăng vọt cả 3 tiêu chí cho thấy, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở tỉnh ta đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, trong đó có công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Theo phân tích của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trên 66% số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh rơi vào thời điểm từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng và trên 28% số vụ TNGT xảy ra là ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Đây chính là khoảng thời gian và tuyến đường mà công tác tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng còn có phần lơ là nếu không muốn nói là còn buông lỏng. Điều này dẫn đến một thực tế là ở đâu, khi nào có mặt lực lượng chức năng thì tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo. Còn khi lực lượng chức năng vắng mặt, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm lại xảy ra một cách phổ biến.

Bên cạnh công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông ở tỉnh ta cũng đang cho thấy rất nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Theo phân tích của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 9 tháng năm 2015, gần 43% số vụ TNGT xảy ra liên quan đến đối tượng là người dân tộc thiểu số với các hành vi vi phạm như uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, gần 54% số vụ TNGT xảy ra liên quan đến đối tượng thanh-thiếu niên dưới 27 tuổi. Thế nhưng, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, hiện nay, công tác tuyên truyền cho cả 2 đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ở nhiều nơi chính quyền, các đoàn thể và ngành chức năng còn không tập hợp được thanh niên để tuyên truyền…

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT gia tăng ở tỉnh ta thời gian qua. Và cũng không phải đến bây giờ, những tồn tại, hạn chế nêu trên mới được điểm mặt, chỉ tên. Tuy nhiên, việc khắc phục những hạn chế này rõ ràng chưa được chính quyền và các ngành chức năng ở nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm đúng mức.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm