Đầu tư công tức là đầu tư từ tiền ngân sách nhà nước nên lãng phí cho dù chỉ một đồng cũng là có lỗi với người đóng thuế. Vốn đầu tư công chính là nguồn lực của quốc gia, lãng phí hay thất thoát sẽ làm trì trệ quá trình phát triển của đất nước. Nhưng nhận diện lãng phí không hề dễ dàng. Các địa phương liên quan, các cán bộ liên quan, cơ quan thực hiện… luôn có những biện giải để hợp thức hóa sự lãng phí của mình. Sự lãng phí này thường đi kèm với lợi ích của người liên quan.
Sự lãng phí này không đơn giản là tính ra thành tiền hoặc chỉ ra từng dự án cụ thể, mà nó còn biểu hiện ở sự kém hiệu quả của các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể nhất là trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều tổng công ty nhà nước lâm nợ, lỗ hàng ngàn tỉ đồng, hoặc làm ăn thất bát… Được ưu tiên sử dụng vốn nhà nước, được tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thậm chí là độc quyền kinh doanh nhưng vẫn lỗ lã, thất thoát vốn đầu tư thì không chỉ lãng phí mà còn làm suy yếu các nguồn lực quốc gia. Những sự yếu kém này không sớm chấm dứt sẽ là mối nguy của cả nền kinh tế.
Một sự lãng phí rất lớn khác chính là nằm ở năng lực cán bộ. Cùng một điều kiện tự nhiên, nguồn vốn, nguồn lao động nhưng có địa phương phát triển được kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thế nhưng, có những địa phương khác thì chậm lụt triền miên, kinh tế èo uột và nguồn thu tại địa phương không đủ nuôi bộ máy quản lý. Sự lãng phí này là không thể đo đếm được và dần trở thành gánh nặng của quốc gia.
Năng lực yếu thì hoạch định chính sách khó mà sát thực tế nên sự lãng phí ở góc độ này rất lớn và tác động trực tiếp đến dân sinh. Thực tế tại nhiều địa phương đã cho thấy khi hoạch định kinh tế đã xa rời thực tiễn, đất đai không phát huy được giá trị, nhiều khu công nghiệp bỏ hoang… trong khi người dân đang rất cần đất sản xuất.
Quan trọng hơn, thực hành chống lãng phí phải được đặt trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Vốn đầu tư công, tài sản công luôn là "miếng mồi ngon" của các cán bộ biến chất. Nhiều dự án, nhiều chương trình kinh tế ở một số địa phương được đầu tư ồ ạt nhưng kém hiệu quả. Phía sau những dự án kiểu này luôn có bóng dáng của những cán bộ biến chất.
Nhưng tiết kiệm, chống lãng phí chỉ là một vế của vấn đề quản lý xã hội. Tiết kiệm để có tích lũy, chống lãng phí để tránh thất thoát chứ không thể lấy đó làm mục tiêu. Muốn dân giàu, ngân sách mạnh thì phải phát triển kinh tế bằng được. Chính nguồn ngân sách mạnh mới là tiền đề cho việc đầu tư phát triển xã hội, xây dựng chính sách an sinh ngày một tốt hơn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, yêu cầu vực dậy nền kinh tế càng bức thiết. Vấn đề này phải được song hành với công cuộc chống lãng phí, thất thoát và chỉ ra trách nhiệm cụ thể của những người liên quan, việc này phải làm rốt ráo, không khoan nhượng.