Thời sự - Bình luận

Không nghèo sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hình ảnh đồng bào Ca Dong ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cõng từng gùi rau, khúc măng, gom góp những món quà "cây nhà lá rừng" gửi về Đà Nẵng chung sức chống dịch COVID-19 đã khiến nhiều người xúc động.

Họ không nghèo sự sẻ chia dù vật chất vẫn thiếu thốn, cái ăn vẫn chật vật vì kinh tế vùng cao không có gì ngoài những món quen thuộc, dân dã như vừa kể.

Trong đó, cậu bé Hồ Ánh Khiết đi bộ chân đất hơn 30 phút, vác khúc măng rừng, tay ôm xấp lá gói rau, cùng người lớn trong xã góp cho vùng dịch sau lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ VN huyện này đã trở thành hình ảnh đẹp, lung linh giữa mùa COVID-19.

Cả nước chung tay chống dịch, từ miền ngược tới miền xuôi. Thông điệp này sống động và lay động từ chính câu chuyện gần 10 tấn rau củ quả, măng rừng đã được người dân ở các thôn bản đóng góp hỗ trợ người dân Đà Nẵng. Đó là chưa nói đây còn là nguồn thực phẩm sạch, quý hiếm giữa thời buổi "gạo châu củi quế", nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 này đất nước có sự kiện quan trọng là kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Tinh thần đoàn kết, thống nhất toàn dân làm cách mạng, dựng xây đất nước để "sánh vai với các cường quốc năm châu" thiết nghĩ cần bắt đầu từ những câu chuyện như từ người dân xã vùng cao của tỉnh Quảng Nam này. Chất liệu của chiến thắng các cuộc chiến từ ngoại xâm, nội xâm, cho đến bệnh dịch chính là sự đoàn kết, thống nhất.

Nghĩ về họ, chợt nghĩ về những cán bộ ăn nhậu, tổ chức sinh nhật giữa thời điểm "nước sôi lửa bỏng" của chống dịch, giữa vùng cách ly, ngay tâm dịch. Ý thức cho cộng đồng, cho quốc gia dân tộc đôi khi bị đánh mất ở chính những người lẽ ra nên phải gương mẫu thực hiện.

Ở đây còn là bài học về tri ân, báo ân. Tháng bảy âm lịch, tinh thần tri - báo ân được thấm đẫm trong nếp sống của người Việt với ý niệm về Vu lan - báo hiếu. Mở rộng ra, việc hiếu nghĩa không chỉ giữa con cái với cha mẹ mà còn của con người với đất nước, cộng đồng nhân sinh.

Thực ra, mỗi cá nhân đều là mắt xích của xã hội, của thế giới: một nơi khó, khổ, gặp hoạn nạn hay dịch bệnh thì nơi khác cũng ảnh hưởng theo. Nên việc giúp người cũng mang ý nghĩa giúp chính mình.

Hơn hết, trước đó, khi chưa có dịch bệnh, người miền xuôi tiếp tế cho người vùng cao, và bây giờ khi xảy ra dịch bệnh thì họ góp sức với người thành phố. Tình người, nghĩa đồng bào từ câu chuyện tri ân nhau đó sẽ làm sáng tỏ thêm giá trị nhân văn vốn có của dân tộc Việt.

Ở một khía cạnh nào đó, COVID-19 đã giúp những điều bình dị, tốt đẹp biểu hiện một cách tự nhiên như nó hằng hữu, giữa cuộc sống và trong lòng người, khiến chúng ta phải suy ngẫm, trân quý…

Theo LƯU ĐÌNH LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm