Thời sự - Bình luận

Không nhất thiết phải giỏi Văn mới làm được bác sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chuyện lạ của mùa tuyển sinh năm nay là có 4/27 trường đại học có đào tạo ngành Y khoa trên cả nước dùng điểm môn văn để xét tuyển vào ngành Y.
Sinh viên khối ngành Sức khỏe của Trường Đại học Văn Lang trong phòng thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên khối ngành Sức khỏe của Trường Đại học Văn Lang trong phòng thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Theo đó, 4 trường đại học gồm Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh), Võ Trường Toản (Hậu Giang), Tân Tạo (Long An) và Duy Tân (Đà Nẵng) sử dụng bốn tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y khoa, trong đó một tổ hợp chứa môn Ngữ văn.

Dùng điểm môn Văn để xét tuyển vào ngành Y khoa, theo lý giải của lãnh đạo Khoa Y, trường Đại học Văn Lang là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày nay rất đa dạng, ngoài khám chữa bệnh còn có các chuyên ngành khác như tư vấn, truyền thông - giáo dục sức khỏe, tâm lý trị liệu, y học dự phòng, quản lý sức khỏe gia đình.

Xã hội cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn ở bác sĩ, ngoài giỏi chuyên môn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn hợp lý. Bác sĩ cần có kỹ năng truyền đạt, thuyết phục, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân.

Thật ra, dùng điểm môn Văn để xét tuyển vào ngành Y khoa đã được bà Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất vào năm 2014 – thời điểm bà làm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường Y Dược Việt Nam hồi tháng 10 năm đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

Bà lấy ví dụ, nhiều chuyên viên ở Bộ khi làm công văn vẫn sai ngữ pháp, nếu đọc nguyên bản các văn bản ấy sẽ "rất dễ đứt mạch máu não".

Đề xuất dùng điểm môn Văn để xét tuyển vào ngành Y của Bộ trưởng Bộ Y tế vào năm 2014 và việc quyết định của 4/27 trường đại học có đào tạo ngành Y khoa trên cả nước thời điểm này đã và đang gây ra những tranh luận trái chiều trong chính đội ngũ y bác sĩ.

Số đông vẫn cho rằng, Y khoa là ngành khoa học mang tính chất thực hành, cần căn cơ, chính xác, tư duy logic… Các giá trị đó chỉ tìm thấy ở các môn tự nhiên (Toán, Hoá, Sinh) và không thể tìm thấy ở môn Ngữ văn nên không nhất thiết phải giỏi Văn mới làm được bác sĩ.

Thực tế thì kiến thức có được từ môn Ngữ văn dĩ nhiên quan trọng nhưng nó không có nhiều ý nghĩa trong việc một người trở thành bác sĩ.

Và việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp… để người đọc không đối diện với nguy cơ “rất dễ đứt mạch máu não” hay cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn hợp lý cũng như kỹ năng truyền đạt, thuyết phục, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân cũng không phải là điều kiện tiên quyết mà mỗi một bác sĩ cần phải có.

Điều mà mỗi một bác sĩ, với sứ mệnh hàng đầu là cứu người cần phải được trang bị tốt hơn bây giờ, theo nhiều bác sĩ là môn Đạo đức Y học trong các cơ sở đào tạo cần được thực tế và bớt sáo rỗng hơn để sinh viên có thể áp dụng khi ra thực chiến.

Và thay vì dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành Y thì nên chọn môn Ngoại ngữ. Ngoại ngữ quan trọng với tất cả các ngành học. Nhưng với ngành Y, ngoại ngữ là môn học vô cùng quan trọng khi giúp các bác sĩ tiếp cận được với kiến thức từ những nền Y khoa hàng đầu thế giới.

Trong khi trình độ ngoại ngữ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ bác sĩ Việt Nam chưa đạt chuẩn, đặc biệt là các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thì việc cho họ giao lưu, học hỏi, tiếp nhận kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp từ những nền Y học hiện đại của thế giới mới là việc có nguy cơ “rất dễ đứt mạch máu não” chứ không phải những văn bản sai ngữ pháp!

Có thể bạn quan tâm