Việc Ủy ban châu Âu (EC) đồng thời đưa ra dự thảo mới nhằm siết chặt quản lý đối với các "ông lớn" công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook… đang được quan tâm sâu sắc không chỉ trong phạm vi 27 quốc gia thành viên của liên minh này.
Theo 2 dự thảo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) được EC công bố, cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) này buộc các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tạo môi trường trực tuyến công bằng, cạnh tranh và phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ.
Với việc đưa ra 2 dự thảo luật trên, EU là một trong những khu vực đi đầu trong nỗ lực buộc các "ông lớn" công nghệ toàn cầu phải tuân thủ "luật chơi". Đây cũng là vấn đề nan giải lâu nay đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại nước ta, quản lý hoạt động các dịch vụ xuyên biên giới cũng là vấn đề bức xúc lâu nay. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực này đã phải không ít lần trả lời chất vấn tại Quốc hội. Trong quản lý các dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam nổi lên 2 vấn đề lớn, đó là vấn nạn tin giả, tin xấu vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục… và không nộp thuế, phí theo quy định.
Bộ Công an cho biết trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng thuộc bộ phát hiện gần 790.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội. Cũng trong 6 tháng qua, công an đã đấu tranh với gần 1.500 đối tượng; khởi tố 17 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính gần 500 đối tượng tung tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã vào cuộc quyết liệt, làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Tỉ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95%, của YouTube là từ 50% lên 90%. Theo đó, số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017 và số lượng gỡ bỏ video xấu độc trên YouTube năm 2020 tăng 8 lần so với 2017.
Dù vậy, tin giả, tin xấu độc, vi phạm pháp luật hiện vẫn lan tràn trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với khoảng 64 triệu tài khoản Facebook và khoảng 35 triệu tài khoản YouTube. Việt Nam, vì thế, là thị trường lớn, mang lại nguồn thu lớn cho các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, song họ lại không chịu đóng thuế, phí như các công ty khác hoạt động tại nước ta. Trong đó, riêng 4 công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple đã phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỉ USD nhưng chưa đóng thuế hoặc đóng chưa tương xứng.
Các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã thu lợi lớn, song lại không có trách nhiệm quản lý từ gốc tin giả, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam và không hoặc chưa đóng đủ thuế là điều không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải có biện pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để buộc các đại gia công nghệ phải tuân thủ pháp luật hiện hành khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại nước ta, như điều mà EU đang làm.
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)