Thời sự - Bình luận

Không thể mãi thả nổi thị trường gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gạo là thức ăn chính của người Việt, truy xuất nguồn gốc là nhu cầu tất yếu. Thế nhưng lâu nay doanh nghiệp xuất khẩu ngó lơ, cơ quan quản lý như thả nổi khiến người dùng đành chấp nhận rủi ro. Và thực trạng đang ngày càng bức xúc.
 
Những lời ta thán của người tiêu dùng như mua gạo không rõ nguồn gốc, ra sạp nhìn hoa mắt không biết đâu mà lần... là câu chuyện hoàn toàn có thật.
Người viết đã thử ra sạp gạo ở Cần Thơ và quả thật, thấy thương cho các chị khi phải đối diện với thượng vàng hạ cám các loại gạo bày bán.
Nào là gạo Hàm Châu, Nàng Hoa, thơm hương lài, tài nguyên sữa rồi các loại gạo ngoại như: gạo "Thái mềm", "Thái dẻo", "Thái thơm", "thơm Đài Loan", gạo "thơm Campuchia"... thật đến đâu khó kiểm chứng được.
Theo giới kinh doanh gạo, thị trường bán lẻ gạo ở Việt Nam bị thả nổi, bát nháo nhiều năm nay.
Xuất phát từ nhu cầu dùng gạo ngon, gạo thơm của người tiêu dùng, hàng loạt tên gạo mới ra đời, ăn theo trào lưu, nhưng dường như cả người bán lẫn người mua không ai biết loại gạo đó có chất lượng ra sao, xuất xứ từ đâu.
Cứ mỗi dịp có một thương hiệu gạo được đồn thổi là gạo ngon, ngay lập tức thị trường có ngay loại gạo đó và mua bao nhiêu cũng có.
Câu chuyện gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua giành giải gạo ngon nhất thế giới là một ví dụ. Ông Cua cho biết gạo ST25 còn đang trong quá trình khảo nghiệm, chưa bán ra thị trường nhưng đã tràn ngập gạo nhái bán khắp nơi.
"Gạo này gạo kia bỗng trở thành gạo ST25. Từ bao bì, nhãn mác bên ngoài cho đến hạt gạo họ đều làm giả, đánh lừa người tiêu dùng" - ông Cua ngao ngán.
Thị trường đang hướng tới nhu cầu truy xuất nguồn gốc. Ăn một con cá, con tôm, mua một bó rau, chai nước, hạt muối, hạt đường... đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Gạo là thức ăn chính của người Việt, truy xuất nguồn gốc là nhu cầu tất yếu. Thế nhưng, lâu nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngó lơ, cơ quan quản lý dường như thả nổi khiến người tiêu dùng đành chấp nhận rủi ro.
Thực trạng này không phải đến giờ mới có mà ngày càng bức xúc hơn.
Tự thân doanh nghiệp và tác giả thương hiệu gạo ngon không thể một mình chống chọi trước muôn hình vạn trạng kiểu làm ăn chụp giật mà rất cần trợ lực của Nhà nước với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và bộ máy thực thi hiệu quả, bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ cho hạt gạo.
Công nghệ ngày nay hoàn toàn có thể cung cấp công cụ kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, nhưng các thủ đoạn giả mạo vẫn cứ diễn ra.
Đã có Luật sở hữu trí tuệ, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật thương mại và hệ thống pháp luật bảo vệ quyền tác giả với các chế tài đầy đủ, nhưng tại sao vi phạm vẫn tái diễn?
Phải chăng hiệu lực, hiệu quả quản lý yếu kém, thực tế vẫn đang vướng ở biện pháp xử lý và tính đồng bộ của các quy định pháp luật cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan?
Thực trạng này đòi hỏi cần có nhiều biện pháp thực thi cương quyết, mạnh mẽ hơn mới mong những thương hiệu gạo ngon như ST25 đứng vững trên thị trường, không bị làm giả, bị nhiễu loạn về nguồn gốc, chất lượng.
Hoàng Trí Dũng (TTO)

Có thể bạn quan tâm