Thời sự - Bình luận

Không “tu thân, tề gia”, không xứng đáng được tín nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đang được Ban Công tác đại biểu lấy ý kiến có nhiều điểm rất được dư luận ủng hộ.
Sẽ trình sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Quốc hội

Sẽ trình sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Quốc hội

Theo dự thảo nghị quyết, ngoài các nội dung được đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đáng lưu ý tiêu chí về sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Một người giữ cương vị lãnh đạo, chức vụ cao, trước hết là người biết tu thân.

Tu thân là tu dưỡng đạo đức để luôn có được phẩm hạnh, phẩm chất cao, xứng đáng với người "làm quan". Tu thân không chỉ là tôi rèn đạo đức, mà không ngừng nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ. "Quan trí" không cao thì không thể lãnh đạo, dẫn dắt, tạo ra được sản phẩm quản lý chất lượng cao.

Quan trí không theo kịp dân trí thì nói làm sao dân nghe được. Cho nên không "sôi kinh nấu sử", chỉ biết chăm chăm lo cái ghế, thì không trước cũng sau mất đi sự tín nhiệm của đồng nghiệp, của người dân.

Nhưng người "làm quan" tu thân chưa đủ, mà phải biết "tề gia".

Tề gia là dạy vợ con cũng biết tu thân như mình. Có quyền lực, quyền thế dễ tạo nên một "gia thế", thậm chí một "gia tộc" như quan lại ngày xưa. Chồng làm quan thì vợ thành quan bà, con cái thành cậu ấm, thiếu gia. Thời nay, dân gian gọi lớp người này là "con ông cháu cha", "đồng chí này là con đồng chí nào?".

Cha làm lãnh đạo mà con liên quan tới ma túy, bị khởi tố bắt giam, thì không xứng đáng được tín nhiệm. Cụ thể như trường hợp ông ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc bị kỷ luật khiển trách, do thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, dẫn đến con trai phạm tội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với những trường hợp tương tự, đương nhiên không còn có sự tín nhiệm, nói cấp dưới không nghe, dân cũng không phục.

Còn nhiều trường hợp khác, chồng làm lãnh đạo mà vợ ép phe, kiếm lợi, thì không xứng đáng giữ chức vụ. Không ai tín nhiệm một người "làm quan" để cho vợ con tự tung tự tác.

Cha, mẹ có chức quyền, con cái lợi dụng cậy thế cậy quyền làm ăn, đồng tiền đó cũng không phải là đồng tiền sạch, không sinh ra từ trí tuệ, từ bàn tay lao động, mà cũng là một loại "tham ô".

Không thể tín nhiệm quan chức, cán bộ mà bản thân cũng như gia đình không gương mẫu.

Có thể bạn quan tâm