Thời sự - Bình luận

Không vượt “ao làng” sao ra “biển lớn”?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi và hấp dẫn, SEA Games 32 đã khép lại với thành tích đặc biệt ấn tượng của thể thao Việt Nam. Với 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 114 huy chương đồng, đoàn thể thao Việt Nam đã giành ngôi nhất toàn đoàn, nhiều hơn đoàn nhì bảng Thái Lan đến 28 huy chương vàng.

Đây là lần thứ 3 trong lịch sử tham dự SEA Games, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn. Đặc biệt, đây mới là lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương khi không phải là chủ nhà của một kỳ SEA Games.

Trước những tin vui liên tiếp từ đất nước Chùa tháp, hầu hết người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài đều cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào. Không tự hào sao được khi chứng kiến những cô gái Việt xinh đẹp, chững chạc, bản lĩnh và tài hoa đã giành chiến thắng với tỷ số 2-0 đầy thuyết phục trong trận chung kết môn bóng đá với tuyển nữ Myanmar. Qua đó, tuyển nữ Việt Nam lập nên thành tích “vô tiền khoáng hậu” 8 lần vô địch SEA Games, trong đó có 4 lần liên tiếp thống trị ngôi quán quân. Không thể không thán phục khi chứng kiến cô gái trẻ Nguyễn Thị Oanh lập kỳ tích đoạt 2 huy chương vàng môn điền kinh chỉ trong vòng 30 phút, để rồi lần đầu tiên giành 4 huy chương vàng tại một kỳ SEA Games.

Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 32. Ảnh nguồn TPO

Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 32. Ảnh nguồn TPO

Hòa với niềm vui của cả nước, những ngày qua, người dân Gia Lai cũng vô cùng vui mừng, phấn khởi khi lần đầu tiên tỉnh nhà có vận động viên đoạt huy chương vàng tại SEA Games. Đặc biệt, người lập nên kỳ tích đó ở môn Kickboxing là một cô gái 20 tuổi sinh ra và lớn lên tại huyện biên giới Đức Cơ-Lê Thị Nhi.

Có thể khẳng định, thành tích tại các kỳ SEA Games, đặc biệt là SEA Games 32 ở Campuchia đã đánh dấu sự lớn mạnh không ngừng của thể thao Việt Nam. Để vượt qua các đối thủ sừng sỏ trong khu vực, ngoài tài năng, các vận động viên còn phải nỗ lực tập luyện với quyết tâm mang vinh quang về cho bản thân, gia đình và Tổ quốc. Đồng hành với họ là sự chăm chút, kèm cặp, truyền dạy của đội ngũ huấn luyện viên và cộng sự. Đặc biệt, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games vừa qua là kết quả của sự quan tâm đầu tư và định hướng phát triển đúng đắn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Trong khi cả nước đang vui mừng, phấn khởi trước thành công của SEA Games 32 cũng như thành tích của đoàn thể thao Việt Nam thì trên các trang mạng xã hội vẫn xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, thiếu trách nhiệm. Trong đó, không ít người cho rằng SEA Games là “ao làng” nên đạt thành tích thì chẳng có gì đáng nói. Hay lợi dụng một số sai sót trong quá trình tổ chức SEA Games, một số người phủ nhận nỗ lực của các quốc gia trong khu vực, nhất là quốc gia đăng cai. Cùng với đó là những giọng điệu chê bai, mạt sát khi đội tuyển mắc sai sót hoặc không đạt thành tích cao, điển hình như trường hợp U22 Việt Nam để thua U22 Indonesia với tỷ số 2-3 trong trận bán kết bóng đá nam SEA Games 32... Cá biệt, có kẻ còn trích dẫn một số phát biểu mang tính cực đoan của người nước ngoài thiếu thiện chí nhằm phủ nhận sự quan tâm đầu tư cho thể thao của Đảng, Nhà nước ta.

Sở dĩ người viết bài này cho rằng những luận điệu trên đây là lạc lõng, thiếu trách nhiệm, thậm chí hợm hĩnh là bởi nó xa rời thực tế và thiếu cái nhìn nhân văn về thể thao. Theo cách hiểu thông thường, thể thao là những hoạt động nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe con người, thường được tổ chức thành các hình thức trò chơi, luyện tập, thi đấu theo những quy tắc nhất định. Xét cho cùng, mục đích của việc tổ chức các sự kiện thể thao là nâng cao sức khỏe con người và giúp mọi người xích lại gần nhau. Vì vậy, tất cả các sự kiện thể thao đều mang tính nhân văn và vì con người. Tùy theo quy mô mà các sự kiện thể thao hướng đến những mục tiêu khác nhau. Vì vậy, không thể lấy thế vận hội so sánh với SEA Games hay ngày hội thể thao cấp xã để rồi dè bỉu là “ao làng”. Mà nói như một nữ nhà văn Việt Nam: “Ao làng thì đã sao?”. Trước khi ra thành phố, có đứa trẻ nông thôn nào không bì bõm chốn ao làng! Không ít danh thủ bóng đá thế giới trưởng thành từ bóng đá đường phố hay các giải “phủi” ở địa phương đó sao.

Không vượt qua “ao làng” thì sao ra “biển lớn”?

Có thể bạn quan tâm