Không xử phạt hành vi điều khiển phương tiện không chính chủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 10-11-2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP của chính phủ bắt đầu có hiệu lực. Tuy vậy, một số người chưa hiểu hoặc hiểu sai một số nội dung liên quan đến Nghị định này, nhất là vấn đề xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

Nhân chuyến làm việc tại Công an tỉnh Gia Lai của Thiếu tướng NGUYỄN VĂN TUYÊN-Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Gia Lai online đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng về một số nội dung của Nghị định 71. 
 

 

- Từ ngày 10-11-2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực. Một số thay đổi cơ bản quan trọng, nổi bật của Nghị định 71 như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN TUYÊN: Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung 19 điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, trong đó nâng mức phạt tiền các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và vi phạm nghiêm trọng quy định quản lý nhà nước về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mô tả cụ thể hơn một số hành vi cho phù hợp với thực tiễn. Nổi bật là: hành vi không chuyển quyền sở hữu theo quy định được nâng mức phạt tiền cao gấp 5 lần đối với chủ xe ô tô và trên 6 lần đối với chủ xe mô tô so với mức phạt tiền trước đây.

Đưa thêm một số hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cho việc xử phạt vi phạm hành chính được phân định rõ hơn, riêng tạm giữ phương tiện trong trường hợp để ngăn chặn vi phạm hành chính được tăng thêm 20 nhóm hành vi so với trước đây. Bổ sung một hành vi mới là xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy “chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe đối với loại xe có quy định về trọng tải thiết kế”...

 

Lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: T.N

Ngoài ra đã phân định thẩm quyền xử phạt cho lực lượng Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Phản ứng nhanh, Trưởng Công an xã, Thanh tra Đường bộ được xử phạt thêm một số hành vi vi phạm. Đồng thời quy định mở rộng áp dụng thí điểm với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương (trước đây chỉ áp dụng cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).

- Hiện nay, một số người hiểu việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định tại Nghị định 71 là xử phạt người điều khiển phương tiện không đứng tên sở hữu phương tiện. Ý kiến của Thiếu tướng ra sao về vấn đề trên và cần phải hiểu như thế nào cho đúng về nội dung này?

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN TUYÊN: Xin nói ngay Nghị định 71 không quy định xử phạt hành vi điều khiển phương tiện không chính chủ mà là chỉ xử phạt hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện” (hay còn gọi là không sang tên đổi chủ). Việc xử phạt đối với hành vi này được áp dụng đối với chủ phương tiện không thực hiện các thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký khi mua bán xe trong thời hạn 30 ngày, hoàn toàn không phải là xử phạt người điều khiển phương tiện không đứng tên sở hữu phương tiện (người điều khiển xe không chính chủ).

Ví dụ, trong gia đình có 4 người mà chỉ có một chiếc xe, nếu ai cũng có bằng lái thì đều được điều khiển xe. Do đó, trong trường hợp được lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra, kiểm soát và đề nghị xuất trình giấy tờ, nếu người điều khiển xe không chính chủ trình bày, chứng minh được là mượn xe của bạn bè, người thân trong gia đình hoặc xuất trình hợp đồng thuê xe, xe của công ty cho thuê tài chính,… thì không bị xử phạt về hành vi này.

- Thưa Thiếu tướng, có thể nói hiện nay, xe không chính chủ chiếm số lượng khá lớn trong các phương tiện lưu thông trên đường. Vậy cơ sở nào để xác định hành vi vi phạm mua bán xe không sang tên?

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN TUYÊN: Trước hết cần nói thêm về thủ tục đăng ký xe khi điều chuyển, bán, cho, tặng của tổ chức hoặc cá nhân như sau: Thông tư số 36/2010 của Bộ Công an đã quy định rõ ngay sau khi cho, tặng, bán, người mua hoặc bán phải viết giấy báo theo mẫu quy định gửi đến cơ quan đã cấp giấy đăng ký cho phương tiện để theo dõi (có thể đến trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán, người mua hoặc người bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.

Như vậy, có nhiều cách để xác định và xử phạt hành vi mua bán không sang tên đổi chủ: Thứ nhất, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe sang tên trong một tỉnh hoặc sang tên di chuyển hồ sơ xe đi tỉnh khác, trong chứng từ chuyển nhượng xe vượt quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày chứng từ chuyển nhượng được xác lập. Thứ hai, khi lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra, kiểm soát, người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông Đường bộ hoặc gây tai nạn xuất trình đăng ký xe không chính chủ hoặc có chứng từ chuyển nhượng vượt quá 30 ngày kể từ ngày chuyển nhượng.

Những trường hợp vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện. Khi xử lý vi phạm, người điều khiển phương tiện xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng đăng ký xe không chính chủ, sau khi đã xác minh, nếu phát hiện xe đã chuyển nhượng nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ theo thời hạn quy định thì lập biên bản xử phạt chủ phương tiện.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!  

Thoại Nhân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm