Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Khúc tự tình miền sơn cước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua những tháng gió, mùa đi, những bước chân phiêu lãng, phóng khoáng như tiếng trống già làng Tây Nguyên tạm nương náu không gian buôn làng. Bên sườn đồi cha cất lời của núi, bên hiên nhà mẹ hát điệu yal yau, gái trai buông lời lah long tình tự. Cung thanh, cung trầm đong đưa trao gửi, cầu mong và mời gọi. .

Cồng chiêng và vũ điệu đại ngàn
Cồng chiêng và vũ điệu đại ngàn


 Từ chốn rừng thiêng, trập trùng núi của miền đất huyền ảo, những bài kể khan, sử thi, dân ca, dân vũ ra đời hòa cùng điệu chiêng, nhịp trống, điệu rơkel, m’buốt... Người Tây Nguyên có thể một mình lang thang đi tìm lời ru nguồn cội, rong chơi tháng ngày trong mùa lữ hành. Trong những mùa đi, mùa ở, họ đều cất lên những lời tình tự.
 
Chiều, qua huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, được ngắm nhìn sắc màu những ruộng lúa không gieo cùng vụ, khói đốt đồng vương vấn trên dãy Pơtơu Gớp. Đi hết cánh đồng dưới chân núi thiêng, thoáng nghe điệu ơ đó lẩn trong gió chiều. Lần theo điệu hát, tôi tìm đến nhà già Ya Loan, bên hiên nhà, bà Ma Wy, vợ ông, đang thả hồn trong điệu hát vui. Bà bảo, ơ đó là một trong những điệu hát đặc trưng của người Chu Ru, có tiết tấu nhanh, vui vẻ. Lời ca thiên về tình yêu giữa con người, tình yêu sông suối, núi rừng và chim muông. Lúc lên rẫy, khi về đồng, người Chu Ru thường vừa đi vừa hát điệu ơ đó. “Người Chu Ru có rất nhiều điệu hát, nào ha ri, ka tha, cho hea... Mỗi điệu được cất lên trong những sự kiện theo quy ước từ ngàn xưa”, bà Ma Wy nói.
 
Có hàng ngàn bài hát do người Chu Ru tự sáng tác lời, với những điệu hát chính như bà Ma Wy kể. Trong đó, ha ri là điệu hát phổ biến. Điệu hát này thường dùng để hát đối, nhưng cũng không ai trách phạt khi ngâm nga một mình. Trong đám cưới, nhà chồng muốn gửi gắm chàng trai về bên vợ, mẹ hoặc bà chàng trai sẽ hát điệu ha ri kể chuyện xưa của chàng và nói lời gởi gắm, dặn dò; mẹ hoặc bà cô gái sẽ hát lời đối đáp. Điệu hát này cũng để khuyên bảo nhau trong vài trường hợp, hoặc già làng thường dùng để kể chuyện xưa, kể khan để tiễn đưa một linh hồn về với rừng Yàng. Còn ka tha là điệu hát về mùa màng; các già làng thường truyền miệng theo điệu này để cho con cháu dễ ghi nhớ lịch của mùa vụ và điệu hát chia buồn cho hea. Trải qua bao dâu bể của lịch sử tộc người, những điệu hát ấy vẫn còn truyền tụng.


 

 Vũ điệu Arya huyền thoại của người Chu Ru
Vũ điệu Arya huyền thoại của người Chu Ru.

 
Hình ảnh khắc khoải, khó xóa nhòa trong tâm tưởng khi ai đó từng đến, từng ở với tộc người Chu Ru. Chiều buông, ngoài hiên nhà, ngược ánh mặt trời, cụ già cất giọng trầm ấm kể khan, đôi mắt nhìn không mặc định; sơn nữ cất điệu ơ đó lúng liếng gọi bạn tình.
 
Với dân tộc K’Ho, lời trong yal yau (hát truyện), nrí (dân ca) mộc mạc hơn, lối ví luôn gần gũi với đời sống, thiên nhiên và không gian buôn làng. Từ thuở đong đưa trên lưng mẹ lên rẫy, lên nương, những đứa trẻ “da nâu, mắt sáng” đã được nghe những lời ryou anặh (điệu ru con) ngọt ngào của mẹ. Đến tuổi cập kê, những chàng trai, cô gái miền sơn cước đã tiếp nối lối hát giao duyên, đối đáp; biết thổi kèn môi, m’buốt để tìm bạn kết đôi; biết chơi cồng chiêng, dân vũ để hòa vào cộng đồng. Khi có con, có cháu, họ tiếp lối hát mời khách và đêm đêm bên bếp lửa nồng nàn men rượu cần, họ hát kể chuyện cho cháu con và dòng tộc. Những bài yal yau, nrí cứ thế trao truyền tự nhiên từ đời này sang đời khác.
 
Đêm trăng thanh, đại ngàn vào giấc, cô gái K’Ho đến tuổi cập kê cất tiếng gọi mời: “Hãy đi cùng em nơi rừng Tơrlang/ Hái măng rừng Tơrlao...”. Sau những cuộc hẹn hò lãng mạn, cô gái sẽ trao chiếc kòng tê (vòng) hẹn ước cho chàng trai mà cô đã ưng bụng. Khi mùa màng thu hoạch xong, sơn nữ đề đạt chuyện “bắt chồng” với cha mẹ và cậu, để soạn lễ đi “xin cái xà-gạt” về cho con gái. “Xưa, những hôm lên rẫy, đi hái rau rừng, sau những lời lah long thắm thiết, những chàng trai, cô gái đã ưng bụng nhau, không ngần ngại trao vòng thề hẹn. Lah long là lời nói êm ái, tình tứ; thường để trai gái trao lời hẹn ước”, bà K’Brang, người hát dân ca K’Ho nổi tiếng dưới chân Bidoup, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng giãi bày.


 

 Kết nối mạch nguồn văn hóa
Kết nối mạch nguồn văn hóa


 Trong lễ tơm bau (cưới hỏi) của người K’Ho, tôi từng nghe bà của chú rể hát câu dặn dò: “Làm bẫy phải hỏi thần núi/ Ăn rừng phải hỏi bon (buôn) làng/ Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha”. Khi đưa chú rể về nhà vợ sinh sống, bà cất điệu nrí nhắn gửi: “Đường ngay thẳng ta mới đi/ Đường cong quẹo ta phải tránh/ Theo tục lệ tổ tiên để lại/ Khớp trên khớp dưới phải hợp...”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trước hết, yal yau là kể chuyện xưa, khi nào có vần và diễn xướng theo lối ngâm nga thì mới mang tính thơ - nhạc dân gian. Có thể coi yalyau là hình thức tiền âm nhạc. Còn nrí hay ndrí là văn vần nói chung của đồng bào bản địa Nam Tây Nguyên.
 
Đêm, buôn làng người Chu Ru ở Diom A, huyện Đơn Dương, nhịp chiêng ba quyện trong điệu rơkel tấu khúc T’rumpô khúc thức trong nhịp điệu mời thần; Păhgơnăng tưng bừng, hối hả mời mọi người nhập cuộc; Arya gợi mở cuộc vui vào đêm bất tận... “Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Dămtơra là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu Tamya trên nền nhạc của trống (sơgơr), đồng la (sar), rơkel (kèn bầu). Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”, nghệ nhân Ma Bio mở lời.
 
Người Chu Ru xem Arya là vũ điệu dành cho các cuộc vui, điệu Dămtơra kết nối gái-trai, T’rumpô được coi là vũ điệu thiêng. Một bài hoàn chỉnh trong lễ hội như Arya, T’rumpô phải có sự kết hợp giữa tiếng cồng, tiếng chiêng, trống và kèn bầu. Lửa bập bùng, bà Ma Tham trải lòng qua những điệu rơkel thao thiết, nào điệu ru con đong đưa, trìu mến; điệu tiễn đưa nỉ non, day dứt... Quả thực, trên nhạc cụ sáu ống tre gắn vào quả bầu khô là một thế giới siêu thực, nhưng rất đời. Ðó là những câu chuyện, tiếng lòng được tỉ tê bằng thanh âm da diết.
 
Người Chu Ru có dàn chiêng ba, còn người K’Ho, Mạ, Mnông là dàn chiêng sáu. Đôi khi họ tấu chiêng đôi, diễn chiêng ba theo cảm hứng. Theo nghệ nhân K’Bes, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng: “Mỗi vị trí trong bộ sáu thang âm đều có âm và tiết tấu riêng. Ching me (chiêng mẹ) giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa. Muốn đánh được chiêng, phải nhạy cái tai, dẻo cái tay, cái tâm phải thổn thức với rừng Yàng”. Mỗi điệu chiêng, kèn bầu, tiếng trống của người Tây Nguyên đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng trong chính không gian thiêng của buôn làng. Mối giao cảm giữa con người và các đấng vô hình được thiết lập qua từng khúc thức âm nhạc, điệu vũ, được cộng đồng quy định nghiêm ngặt về phương thức diễn tấu và diễn xướng.
 
Đến Tây Nguyên là hòa vào không gian văn hóa đại ngàn. Tiếng cồng, tiếng chiêng cũng thay lời người tình tự. Điệu yal yau, nrí đôi khi lắng như sông mẹ Krông Ana, trầm hùng như sông cha Krông Knô; lúc bát ngát như thảo nguyên M’Đrắc, khi mải miết lên tận đỉnh Chư Yang Sin hay núi Mẹ Langbiang.
 
Đêm, trong không gian buôn làng, dưới những mái nhà rông, nhà dài, bếp lửa được thắp lên, men rừng đã ngấm, người già hát kể yal yau, người trẻ buông lời lah long, tam pớt tình tự, đắm say. Và những đêm khan vẫn được người Tây Nguyên kể thâu đêm rạng ngày, có khi đến mấy chục đêm mới hết.


 
http://baolamdong.vn/vhnt/202109/khuc-tu-tinh-mien-son-cuoc-3076827/

Theo MAI VĂN BẢO (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm