Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Khủng long "2 mặt" kỳ quái khiến giới khoa học choáng váng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà cổ sinh vật học tuyên bố nếu họ tìm thấy 2 nửa hộp sọ của con khủng long to lớn này riêng, họ đã tưởng đó là sọ của 2 loài khác nhau!



Một con khủng long tên "Hanna" được phát hiện tại Canada đã phá vỡ lý thuyết về sự đối xứng hoàn hảo của giống loài này, vốn được giới cổ sinh vật học tin tưởng và công nhận từ lâu.

"Hanna" được tìm thấy bởi nhà cổ sinh vật học Scott Persons khi anh mới là một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Alberta, trong một chuyến du ngoạn ở khu vực gọi là "Công viên khủng long" ở phía Tây Bắc Canada. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì vùng đất này là nơi rất nhiều hóa thạch khủng long từng được phát hiện.


 

Hộp sọ với 2 nửa hoàn toàn khác biệt của Hanna - ảnh: Đại học Alberta
Hộp sọ với 2 nửa hoàn toàn khác biệt của Hanna - ảnh: Đại học Alberta



Anh quyết định đặt tên cho con "quái vật" có sừng khổng lồ và chiều dài cơ thể đến 5 m này là Hanna, theo tên cô chó chưng của mình.

Hóa thạch được đưa về phân tích ở Đại học Alberta và chiếc hộp sọ kỳ dị của con vật đã khiến Persons và các cộng sự phải tiến hành một nghiên cứu chi tiết.

Phân tích cho thấy 2 bên hộp sọ của Hanna cực kỳ bất đối xứng, đến nỗi nhiều cộng sự của anh Persons cho biết nếu tìm thấy 2 nửa riêng rẽ, họ đã nghĩ rằng chúng thuộc về 2 loài khủng long hoàn toàn khác nhau.


 

Tái hiện chân dung Hanna. Nhưng nó trông sẽ rất khác nếu bạn nhìn vào nửa mặt bên kia - ảnh: - ảnh: Đại học Alberta
Tái hiện chân dung Hanna. Nhưng nó trông sẽ rất khác nếu bạn nhìn vào nửa mặt bên kia - ảnh: - ảnh: Đại học Alberta



Ban đầu, họ còn tưởng rằng nửa hộp sọ còn lại bị khiếm khuyết nên bất đối xứng, nhưng các bước nghiên cứu sâu hơn cho thấy đó chắc chắn là một hộp sọ được bảo quản hoàn hảo. Số xương nhỏ ở 2 bên mặt con khủng long rất khác nhau, ví dụ ở bên phải có 8 xương được cốt hóa, bên trái chỉ có 7. Phần mặt bên trái cũng thiếu đi một số phần so với bên phải. Tất cả tạo cho nó một vẻ ngoài rất khác biệt ở mỗi bên mặt trái – phải.

 

Hanna khi được phát hiện - ảnh: - ảnh: Đại học Alberta
Hanna khi được phát hiện - ảnh: - ảnh: Đại học Alberta



Sau nhiều năm cố gắng phân loại và tưởng đó là một loài mới, họ đã xác định được nó là một Styracosaurus albertensis, nhóm khủng long ăn cỏ có sừng dài. Chỉ có điều nó trải qua một sự kiện gọi là "biến đổi hình thái" so với đa số các cá thể cùng loài khác, một hiện tượng lần đầu ghi nhận được ở loài khủng long. Hanna sống trên trái đất 75 triệu năm về trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng.

Các phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research. Các nhà khoa học cũng đã tái tạo mô hình 3D của hộp sọ để giới cổ sinh vật học khắp thế giới có thể tham khảo.

A. Thư (NLĐO/Theo Daily Mail, Fox News)

Có thể bạn quan tâm