Phóng sự - Ký sự

Khướu Ngọc Linh - loài chim đặc hữu cần bảo vệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khướu Ngọc Linh là loài chim đặc hữu, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây là một trong những loài chim đẹp và quý hiếm được phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Tuy nhiên, số lượng loài này ngày càng suy giảm nhanh chóng, rất cần sự chung tay bảo vệ của cả cộng đồng.

Ngọc Linh là dãy núi cao tạo thành ranh giới hành chính của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam với đỉnh ngọn núi cao nhất 2.604m và nhiều ngọn cao hơn 2.000m. Từ lâu, Ngọc Linh được biết đến là “Nóc nhà của Tây Nguyên” và cao nhất miền Nam. Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh không chỉ có giá trị đặc biệt về bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn có giá trị to lớn về quân sự, an ninh quốc phòng và du lịch.

Dưới tán rừng Ngọc Linh. Ảnh: NB

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được bao bọc bởi 96,82% diện tích rừng các loại với hơn 38.100ha, thuộc địa bàn 5 xã (Đăk Man, Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp) huyện Đăk Glei. Vùng đệm Ngọc Linh gồm 8 xã của huyện Đăk Glei, 3 xã của huyện Tu Mơ Rông. Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh Quảng Nam làm thành khu vực bảo tồn thiên nhiên liên hoàn rộng lớn nhất Việt Nam với khoảng 150.000ha.

Ngọc Linh không những được biết đến là nơi có nhiều loài thảo dược quý hiếm như: sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, tam thất, nấm lim xanh, linh chi cổ cò… mà còn là thủ phủ của nhiều loài chim quý hiếm, đặc hữu của nước ta. Theo ghi nhận, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 234 loài chim thuộc 11 bộ, 43 họ. Các loài chim quý hiếm, bảo tồn có 41 loài, trong đó: Sách đỏ Việt Nam có 13 loài, gồm có 1 loài ở bậc EN (nguy cấp), 8 loài ở bậc VU (sắp nguy cấp), 4 loài ở bậc LR (ít nguy cấp); Sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) có 11 loài, gồm có 1 loài bậc EN, 2 loài ở bậc VU, 8 loài ở bậc NT (sắp bị đe dọa); nêu trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP có 38 loài, gồm có 7 loài thuộc nhóm IB và 31 loài thuộc nhóm IIB. Đặc biệt, trong đó có loài khướu Ngọc Linh là loài đặc hữu Việt Nam.

Khướu Ngọc Linh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Ảnh: NB

Khướu Ngọc Linh có tên khoa học đầy đủ là Trochalopteron ngoclinhense, thuộc bộ sẻ, được phát hiện và mô tả khoa học vào năm 1999 bởi các chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã: Jonathan C. Eames (Anh), Lê Trọng Trải và Nguyễn Cử .

Đặc điểm nhận biết của khướu Ngọc Linh là chim trưởng thành trán màu xám nâu với màu nâu đen ở giữa các lông ở phần sau mắt và hai bên đầu. Đỉnh đầu, gáy nâu đỏ thẫm; vai, lưng và hông màu xám phớt nâu vàng. Lông bao trên đuôi màu xám lẫn nâu vàng. Mặt dưới đuôi màu nâu tối. Lông bao cánh lớn có màu nâu vàng với dải rộng màu nâu đỏ thẫm; phiến lông trong góc cánh màu đen; lông bao cánh sơ cấp đen. Vùng trước mắt lông đen, lông bao tai màu xám, giữa cùng hai bên cạnh ngực xám và xám bạc. Bụng cho tới dưới đuôi khướu xám phớt nâu vàng. Mỏ khướu đen sừng; chân nâu tối; tròng mắt nâu tối.

Đặc tính của loài khướu này là sinh sống chủ yếu trên các đỉnh núi tại độ cao 1.480 - 2.200 m, khu vực phân bố hẹp, thường đi cặp đôi hoặc đàn nhỏ, rất nhút nhát. Sinh cảnh sống là rừng lá rộng thường xanh trên núi cao, thảm thực bì tốt, trên thân cây gỗ có nhiều loài thực vật sống cộng sinh.

Theo một số nhà điểu học, hiện nay, số lượng cá thể khướu Ngọc Linh trưởng thành chỉ còn 1.000 - 2.400 cá thể. Số lượng cá thể trong tự nhiên giảm dần nhanh chóng và khó phục hồi do những nguyên nhân chính như: Môi trường sống của chúng bị thu hẹp do nạn phá rừng làm nương rẫy, phát dọn thực bì dưới tán rừng trồng dược liệu; nạn săn bắt trái phép, việc mua bán, nuôi nhốt vẫn đang diễn ra hằng ngày.

Trao đổi với anh Bùi Thanh Trung (người được tổ chức Birdlife International vinh danh vì những đóng góp cho công tác nghiên cứu chim ở Việt Nam), chúng tôi được biết, trong những năm gần đây, năm nào anh cũng lặn lội trên các vùng rừng núi ở Kon Tum để ghi nhận hình ảnh các loài chim và tìm hiểu các đặc tính, vùng phân bố.

Phải nói rằng, Kon Tum có khu hệ chim hết sức đa dạng, phong phú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu, cận đặc hữu của Việt Nam. Nổi bật có các loài như khướu Ngọc Linh, khướu Kon Ka Kinh, khướu mỏ dẹt cằm đen, khướu vằn đầu đen, khướu mỏ quặp xanh, khướu đuôi đỏ. Tuy nhiên, việc bắt gặp loài khướu Ngọc Linh, Kon Ka Kinh trong tự nhiên ngày càng khó khăn do môi trường sống ngày càng thu hẹp.

Trước vấn đề đặt ra, đòi hỏi các cấp chính quyền cần quan tâm hơn và có những biện pháp quyết liệt để bảo vệ những loài khướu đặc hữu nói chung và các loài động vật hoang dã nói riêng để gìn giữ và phục hồi số lượng cá thể trong tương lai. Đặc biệt là khướu Ngọc Linh, loài đặc hữu được ghi nhận chỉ có ở vùng rừng núi Ngọc Linh.

Khướu vằn đầu đen tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Ảnh: NB

Sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) xếp loại khướu Ngọc Linh ở mức nguy cấp (EN). Tại Việt Nam, khướu Ngọc Linh được xếp vào danh mục động thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IB) nêu trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thì mức phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép khướu Ngọc Linh và các loài trong nhóm IB là 2 tỉ đồng và 15 năm tù. Những quy định này, người dân, nhất là đồng bào các DTTS ở vùng núi Ngọc Linh cần biết để không vi phạm pháp luật.

Có thể bạn quan tâm