Thời sự - Bình luận

Kích cầu vực dậy ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cả nước đang tích cực triển khai các biện pháp kích cầu du lịch hậu Covid-19, trước mắt là hướng mục tiêu đến dòng khách nội địa. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp thì đây là “cứu cánh” của du lịch Việt Nam sau những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Gia Lai đang chung tay cùng cả nước khi quyết tâm mở cửa gọi mời những bước chân khám phá.

 

Dịch bệnh tất nhiên phải được ngăn chặn bằng nhiều biện pháp và không bao giờ được chủ quan. Vào những thời điểm cam go nhất, chỉ đạo công tác phòng-chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định “chống dịch như chống giặc”. Ngăn chặn bên ngoài, kiểm soát tốt bên trong, tích cực chữa bệnh được xem là giải pháp phòng-chống dịch hữu hiệu của Việt Nam. Chúng ta đã làm nên điều kỳ diệu đó khi trong số gần 100 triệu dân mà chỉ có hơn 300 người mắc bệnh, gần 90% số bệnh nhân được chữa khỏi, đặc biệt là chưa có ca nào tử vong.

Thác Kon Bông (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) luôn được khách du lịch tìm đến bởi sở hữu những dòng thác đẹp hoang sơ. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Thác Kon Bông (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) luôn được khách du lịch tìm đến bởi sở hữu dòng thác đẹp hoang sơ. Ảnh: Võ Thanh Thảo



Chúng ta đã tạo được hình ảnh một Việt Nam an toàn và trách nhiệm với cộng đồng. Nhưng để đạt được điều đó, chúng ta đã phải đánh đổi một phần mục tiêu tăng trưởng khi hầu hết các ngành giao thông, thương mại, du lịch… đều chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Trong số này, du lịch là ngành được cho là có cơ hội phục hồi hoạt động đầu tiên.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành cùng vào cuộc kích cầu, địa phương-điểm đến-các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút du khách. Điểm đến nào có đường bay thuận lợi được ưu tiên kích cầu trước bằng các chính sách giảm cước vận chuyển, giảm phí tham quan, giảm giá dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cung ứng thêm sản phẩm mới… để nhanh chóng kéo người dân ra khỏi nhà, làm sống lại các điểm tham quan, hâm nóng lại thị trường du lịch sau mấy tháng đình trệ. Phấn đấu sau 2-4 tháng, du lịch có thể hồi phục. Đến cuối năm, du lịch lấy lại phong độ bình thường. Chỉ khi thực sự an toàn mới nói đến chuyện mở cửa đón khách quốc tế.

Đây không phải là lúc than nghèo kể khó mà các doanh nghiệp, địa phương phải có hành động cụ thể, đoàn kết cùng nhau vực dậy thị trường du lịch. Bởi thời gian kích cầu không quá dài, chỉ còn mấy tháng nữa là bắt đầu vào mùa mưa bão, không hành động ngay, du lịch nội địa sẽ khó phục hồi. Ngoài sản phẩm nghỉ dưỡng biển, cần tăng cường quảng bá, giới thiệu các loại hình tham quan, trải nghiệm với du lịch văn hóa, sinh thái núi rừng, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực dân tộc vùng miền, nhất là với các địa bàn có nhiều tiềm năng về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như: Tây Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, thời gian thực hiện từ nay đến cuối năm. Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch có dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý, đi kèm những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ gồm: lữ hành, vận tải, lưu trú, mua sắm, ăn uống… giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho du khách, thu hút du khách bằng các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn.

Ngành du lịch các địa phương cũng đang nỗ lực bắt tay liên kết thực hiện chiến lược phục hồi ngay trong và sau dịch Covid-19. Việc tham gia Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam và chương trình xúc tiến du lịch Bình Định-Phú Yên-Gia Lai-Đak Lak tại Hà Nội vừa qua thể hiện quyết tâm của Gia Lai cùng với cả nước và các tỉnh lân cận nhằm vực dậy thị trường du lịch nội địa. Với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của những thác nước hùng vĩ, sở hữu một phần di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc bản địa, Gia Lai đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm với các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, mạo hiểm… trên hành trình khám phá của mình.

 

ĐÌNH CƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm