Thời sự - Bình luận

Kích hoạt du lịch an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạm thời không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 để tiến tới thống nhất áp dụng thống nhất cả nước, loại bỏ tình trạng "cát cứ địa phương" do mỗi nơi làm mỗi kiểu.

Đây chính là cơ hội vàng, ngành du lịch phải mở cửa bằng cách "ấn nút" tái khởi động du lịch Việt.

Tình hình thay đổi thì cách tiếp cận, giải pháp phải thay đổi. Các ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề du lịch, doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh và người kinh doanh du lịch cần phải chủ động xây dựng các kịch bản của mình theo từng cấp độ. Cần có nhiều chương trình kích hoạt du lịch an toàn, linh hoạt "đóng mở" theo 4 sắc thái "xanh, vàng, cam, đỏ" của tình hình dịch bệnh.

Cần tăng cường liên kết các gói sản phẩm du lịch, ưu tiên thị trường nội địa, các điểm đến gần và ngắn ngày, các dịch vụ an toàn, phù hợp các phân khúc khách hàng. Cần sự gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, tương trợ nhau giữa du lịch lữ hành, vận tải du lịch, lưu trú, du lịch ẩm thực. Các DN và cơ sở kinh doanh du lịch chọn các dịch vụ phù hợp, lên kế hoạch tổ chức hoạt động trong an toàn cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và bảo đảm thực chất yêu cầu. Cần chọn các khu du lịch, điểm du lịch tiêu biểu, các DN xương sống trong vùng để triển khai chương trình phù hợp tình hình. Yêu cầu cần thiết hiện nay là việc đi lại phải thông suốt. Có đi lại được thì mới có du khách. Có không gian du lịch và sản phẩm du lịch thì mới có người đi du lịch.

Các DN và cơ sở kinh doanh du lịch sau thời gian chịu thiệt hại nặng nề do mất doanh thu, kéo theo hàng loạt các khoản nợ ngân hàng đến hạn, lao động ngừng việc…, rất cần tiếp sức kịp thời từ các gói hỗ trợ kinh tế và chính sách. Nhưng bản thân các DN du lịch, cơ sở dịch vụ cũng phải chủ động xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh tốt nhất, chuẩn bị các gói sản phẩm dịch vụ tốt nhất để đón đầu cơ hội là nhu cầu thị trường sau dịch.

Các cơ quan quản lý, các đơn vị hỗ trợ, hiệp hội ngành nghề cần có chương trình hỗ trợ phù hợp, cung cấp thông tin đầy đủ để DN xác định đúng nhu cầu khách hàng du lịch. Xây dựng niềm tin nhưng điểm đến an toàn là cần thiết cho việc kích hoạt lại du lịch. "Du lịch an toàn" còn là yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch. Tương ứng là tiêu chí xác định vùng đỏ, cam, vàng, xanh cho phù hợp. Khu trú nhỏ hơn, thẩm quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa cần quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn để tránh tùy tiện sử dụng, gây hiệu ứng ngược.

Ngành du lịch cũng đang rất cần đẩy mạnh số hóa, kinh tế chia sẻ, ứng dụng dữ liệu điện tử; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm; khuyến khích các mô hình check-in, đo thân nhiệt tự động để tạo cảm giác thoải mái cho du khách mà vẫn bảo đảm an toàn…

Kích hoạt du lịch an toàn không chỉ đứng trước thời cơ, mà còn là thách thức và đã đến lúc không thể nói "hãy đợi đấy"mà hãy xắn tay làm.

 

TS TRẦN HỮU HIỆP (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL)
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm