Kiềm chế tai nạn giao thông trên đường Hồ Chí Minh: Cần phối hợp từ nhiều phía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua địa bàn Gia Lai có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Những năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến diễn biến rất phức tạp. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ và sự phối hợp từ nhiều phía để kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Là tuyến giao thông huyết mạch của khu vực Tây Nguyên và cả nước nên lưu lượng phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh rất lớn. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch này, những năm qua, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) phối hợp với Cục Quản lý đường bộ III, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện Chư Păh, Chư Sê, Chư Pưh và TP. Pleiku tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời một số vị trí nguy hiểm như: đoạn qua thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh); thảm tăng cường mặt đường, tổ chức phân làn đoạn qua trung tâm TP. Pleiku; xử lý “điểm đen”, cải tạo nút giao thông Biển Hồ, Phù Đổng (TP. Pleiku); xử lý “điểm đen” tại Km 1632+120 huyện Chư Sê; đặt biển báo “khu vực đông dân cư”, biển hạn chế tốc độ 60 km/giờ trong khung giờ từ 18 đến 22 giờ đối với xe khách trên một số đoạn thuộc địa bàn huyện Chư Pưh; điều chỉnh, bổ sung biển báo, vạch sơn nhiều vị trí trên tuyến…
Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường Hồ Chí Minh vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo báo cáo của Sở GT-VT, TNGT xảy ra trên tuyến đường này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, đoạn từ ngã ba Hàm Rồng tới cầu 110 (Km 1910-Km 1667+500) do nhà đầu tư BOT quản lý đã xảy ra 6 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 19 người chết, 5 người bị thương (chiếm 54,55% số vụ, 55,56% số người chết, 62,5% số người bị thương so với tổng số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh). Ngoài ra, trên tuyến còn có nhiều “điểm đen” tiềm ẩn TNGT như: một số nút giao giữa đường Hồ Chí Minh đoạn qua trung tâm TP. Pleiku với các đường ngang; đoạn Km 1659+300-Km 1660+100 có nền đường tách thành 2 phần riêng biệt (khu vực Trường THPT Nguyễn Thái Học cơ sở 2, huyện Chư Pưh); khu vực Trạm thu phí đường bộ Đức Long 2 tại Km 1667+470 thuộc huyện Chư Pưh.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn qua thôn Bak-Kuao (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Anh
Theo ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân khiến TNGT gia tăng bởi đây là tuyến đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, nhất là đối với thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trên tuyến vẫn còn tồn tại không ít “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
Để kiềm chế tiến tới kéo giảm TNGT, vừa qua, Công an tỉnh có công văn kiến nghị khắc phục nguy cơ gây TNGT trên đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường tránh. Cùng với đó, Sở GT-VT đã có công văn đề nghị Cục Quản lý đường bộ III nghiên cứu, xử lý những đoạn tuyến qua địa bàn huyện Chư Sê, Chư Pưh do nhà đầu tư BOT Đức Long Gia Lai quản lý, khai thác. Ngoài ra, UBND TP. Pleiku cũng gửi văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét khắc phục một số vị trí nguy hiểm tại các nút giao giữa đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường ngang. Tuy nhiên, đến nay, một số điểm bất cập vẫn chưa được Cục Quản lý đường bộ III chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Nhằm phòng ngừa, hạn chế TNGT trên địa bàn, Sở GT-VT đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh để có giải pháp xử lý, khắc phục các bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Sở GT-VT đề nghị Công an tỉnh tổ chức khảo sát, xây dựng phương án đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông thông minh trên đường Hồ Chí Minh nhằm phát hiện, xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT trên đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là xử lý đối với mô tô, xe gắn máy và các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của thanh-thiếu niên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hữu Hiếu cho biết thêm: Vừa qua, Sở GT-VT phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức khảo sát thực tế và đề xuất giải pháp khắc phục nguy cơ gây TNGT trên các quốc lộ và tỉnh lộ, trong đó có đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để kiềm chế TNGT trên đường Hồ Chí Minh thì phải có sự quan tâm đúng mức từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III cũng như sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân.
ĐỨC AN

Có thể bạn quan tâm