Kiểm lâm Gia Lai: 42 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua 42 năm xây dựng và phát triển (1976-2018), lực lượng Kiểm lâm Gia Lai đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Không những vậy, lực lượng Kiểm lâm còn tham gia hỗ trợ phát triển cộng đồng người làm nghề rừng ở địa phương cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế lâm nghiệp, nâng độ che phủ rừng của tỉnh nhà đạt 40,2%.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngoài việc thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm đã đấu tranh ngăn chặn kịp thời, bắt giữ và xử lý trên hàng chục ngàn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Lực lượng Kiểm lâm tỉnh cũng đã chủ động thực hiện công tác điều tra, khảo sát, xây dựng phương án đề nghị UBND tỉnh quyết định thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Ka Kinh, nay là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và được công nhận Vườn Di sản ASEAN năm 2003; thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng.

 

Diễn tập phòng-chống cháy rừng. Ảnh: N.H

Đồng thời, triển khai các dự án: rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ba; thí điểm canh tác rẫy bền vững trên đất lâm nghiệp... Qua đó góp phần nâng cao độ che phủ của rừng; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học; bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng; bảo vệ các loài động-thực vật quý hiếm đặc hữu. Thông qua các dự án, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của lực lượng Kiểm lâm được nâng lên; nhận thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, đời sống của người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, khuyến khích trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí để triển khai song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp. Năm 2017, toàn tỉnh đã trồng được  6.714,25 ha rừng. Đây là một trong những năm có diện tích trồng rừng lớn nhất từ trước đến nay, tạo tiền đề để trong năm 2018 toàn tỉnh tiếp tục trồng mới 7.000 ha rừng.

Kết quả đạt được của lực lượng Kiểm lâm Gia Lai trong chặng đường 42 năm qua chính là kết tinh của sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, sự phối hợp của nhân dân trong công tác giữ rừng; đặc biệt là tinh thần nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, công chức trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Nếu như những ngày đầu thành lập, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai phần lớn chỉ có trình độ chuyên môn trung cấp, số tuyển dụng mới chưa qua đào tạo thì đến thời điểm này, trong 393 người toàn lực lượng đã có 234 người có trình độ đại học và trên đại học, còn lại là trình độ trung cấp.

Trân trọng những thành tích đã đạt được trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, song lực lượng Kiểm lâm Gia Lai cũng thẳng thắn nhìn nhận tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn thật sự hiệu quả. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; một số văn bản đã có nhưng cấp thẩm quyền chưa triển khai nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện nhằm đảm bảo các điều kiện và nguồn lực giữ rừng bền vững. Hạn chế trên kết hợp với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới hết sức khó khăn. Tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp; việc bảo vệ người thi hành công vụ, giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức Kiểm lâm khi bị thương, hy sinh còn gặp nhiều bất cập.

 

Chi cục Kiểm lâm tỉnh hiện có 5 phòng tham mưu và 22 đơn vị trực thuộc; tổng số công chức, người lao động là 393 người. Trải qua 42 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ kiểm lâm chưa đáp ứng kịp thời với sự chuyển mình của toàn xã hội. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương chưa được đầu tư đúng mức, hoặc được đầu tư nhưng việc sử dụng không thành thục dẫn đến hiệu quả không cao… Một số công chức hạn chế về trình độ, đôi khi chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm được giao; một số tuổi đời ngày càng cao (do nhiều năm liền không có biên chế tăng thêm) nên hạn chế về sức khỏe, thời gian làm việc, ngại va chạm, giảm sự nhiệt tình năng nổ. Trong khi đó, nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn đòi hỏi ngoài trình độ, năng lực còn phải đủ sức khỏe để thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Ngoài ra, biên chế chưa đủ bố trí theo định mức bình quân cho kiểm lâm địa bàn. Hiện nay, ở nhiều nơi, kiểm lâm địa bàn được giao quản lý diện tích rừng rộng, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nên quá trình thực hiện nhiệm vụ có lúc còn để xảy ra sơ hở, thiếu sót, nhất là tại một số địa bàn phức tạp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên với truyền thống tốt đẹp của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, Kiểm lâm Gia Lai sẽ cố gắng phấn đấu vươn lên, củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm