Phóng sự - Ký sự

Kiếm sống 'vô hình': Vòng xoáy mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dịch Covid-19 để lại nhiều “vết sẹo” trong cuộc mưu sinh của người nghèo. Đến nay, thời điểm mà dịch tạm lắng, các biện pháp giãn cách xã hội cơi nới, thì dường như đối với nhiều công nhân, người lao động, lại là lúc mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu...
 

Tích lũy hư hao

Khu nhà trọ trong một con hẻm đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) ngập lút mắt cá chân sau cơn mưa tối muộn. Dưới ánh đèn hắt hiu trong mái trọ, bà Lê Thị Gái (50 tuổi, quê Ninh Thuận) vẫn đang quày quả dọn dẹp căn phòng. Bà Gái sẽ đợi đến khuya - thời điểm mà hai đứa con bà tăng ca về.

Bà Gái bảo dưới quê không làm lụng gì được, chồng bà mất, rồi đứa con gái lớn thành mẹ đơn thân sớm, nên gia đình quyết định vào TP.HCM, mưu cầu kinh tế khá khẩm lên.


 

Khu trọ của người lao động ở TP.Thủ Đức buổi tối muộn. Ảnh: Ngọc Duy


Chục năm qua, 4 người của gia đình bà sống thui thủi trong căn trọ. Bà Gái đi giúp việc, còn hai đứa con bà làm công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) gần nhà trọ. Nhưng hai năm qua, vì dịch Covid-19, gia đình nào cũng ngại tiếp xúc, bà Gái cũng không đi làm được.

“Sinh hoạt của cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương của hai đứa con tôi. Lương cứng của chúng nó cộng lại được 12 triệu đồng/tháng, không đủ gánh cho cả 4 người, nên làm gì làm, chúng nó chỉ mong mỗi tăng ca”, bà Gái nói và buồn rầu: “Hồi chưa dịch, cả gia đình cùng làm, chắt bóp từng chút nuôi đứa nhỏ. Tôi cũng dành tiền cho đứa con trai lấy vợ. Nhưng rồi mấy tháng giãn cách, nhà không ai đi làm, thế là lấy tiền dành dụm đó ra dùng hết”.

Người phụ nữ này cảm thán, đến nay bạc đầu, lần đầu tiên bà thấy thật khốn đốn khi tích lũy không còn, thu nhập không khả quan mà vật giá cứ tăng chứ không giảm. “Giờ đi làm lại, nợ 4 tháng tiền trọ, trong khi tôi tính ra tiền sinh hoạt của nhà tôi tăng lên hẳn 1 triệu đồng/tháng. Đồ ăn mắc như vậy, thiệt là tôi không dám đi chợ. Tôi làm giúp việc nhà, chủ nhà thấy thương, lâu lâu họ lại cho đồ ăn mình đem về”, bà Gái nói.

Nợ tiền trọ là “nỗi khổ” chung của nhiều gia đình công nhân. Bà Nguyễn Thị Phương Lân, chủ trọ khu này, cho biết cả khu có 50 phòng, giá thuê từ 2 - 3 triệu đồng/phòng/tháng. Mặc dù mấy tháng giãn cách năm ngoái, bà giảm mỗi phòng 500.000 đồng/tháng, nhưng cho tới tận bây giờ vẫn còn nhiều phòng nợ tiền trọ từ 2 - 4 tháng.

Cách chỗ bà Gái thêm vài căn phòng, vợ chồng anh Lê Huy Cao (35 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng đang đau đầu với các con số chi tiêu. Chuyển vào TP.HCM được 5 năm nay, anh Cao làm công nhân cho một công ty sửa chữa ô tô, còn vợ anh làm công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận. Lương của hai vợ chồng đủ nuôi con nhỏ, nhưng tháng nào xài hết tháng đó. Để kiếm thêm tiền, anh Cao tranh thủ lái taxi buổi tối.

Là tài xế, mấy tháng nay, cứ hễ nghe xăng tăng giá là anh Cao chóng mặt. Ngày trước, để chạy taxi, mỗi ngày anh Cao đổ xăng khoảng 600.000 đồng thì bây giờ con số phải hơn 800.000 đồng.

“Hồi xưa, làm cũng có tích lũy nhưng dịch giã nên công việc nào cũng bấp bênh hết, nhà tôi cứ lấy tiền tiết kiệm ra tiêu, không đủ thì vay mượn thêm họ hàng. Giờ nhà tôi còn nợ 2 tháng tiền trọ, chỉ biết nai lưng ra làm để trả”, anh Cao nói.


 

Anh Lê Huy Cao phải lái taxi ban đêm để có thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Duy


“Cứ nhìn giá cả nhiều khi mình thấy chóng mặt”

Tại một khu trọ ở TP.Thủ Đức, rảo quanh, khảo sát các gia đình công nhân thì hầu như ai cũng ngược xuôi, tìm thêm việc phụ để gia đình đủ sống. Như hai vợ chồng chị Tào Thị Thùy Duyên (27 tuổi, quê Bình Định) cùng làm chung công ty, Duyên làm hành chính còn chồng chuyên vận chuyển hàng. Lương hai vợ chồng cộng lại được 12 triệu đồng/tháng.

Thực tế, theo lời Duyên, số tiền này không thấm là bao so với mặt bằng chi tiêu của thành phố. Cả nhà Duyên, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và mẹ già phải tự gắt gao trong mỗi lần tiêu xài.

Duyên tính: “Mỗi tháng phải dành sẵn 3 triệu đồng đóng tiền thuê trọ; tiền sữa, tã cho con tiết kiệm lắm cũng 2 triệu đồng. Chưa kể còn tiền gas, mắm muối, tiền xăng xe... Tháng nào là hết tháng đó. Trong khi đó, giá thì cứ lên chứ không giảm. Không nói đâu xa, phần cháo ăn sáng cho con tôi mua tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng. Tôi ra chợ mua trái khóm (thơm) nho nhỏ cũng 20.000 đồng. Có ngày, tôi chẳng dám ăn sáng”.

Cô gái trẻ hầu như không ăn đồ ăn ở ngoài. Những buổi long nhong, gặp bè bạn, hay chuyện làm đẹp..., giờ đây lại là chuyện xa xỉ với Duyên.

“Làm gì cũng phải lo nghĩ tới con đầu tiên. Để tiết kiệm, tôi nhờ người thân ở quê gửi đồ ăn lên trữ trong tủ lạnh. Giá cả ở quê rẻ hơn trên này. Rồi ngoài giờ hành chính, tôi còn bán hàng online như mỹ phẩm, hàng xách tay... cho bạn bè, người quen để có thêm thu nhập”, Duyên kể.

Cũng sống tại khu trọ này, tối muộn, anh Nguyễn Nhật Trung (36 tuổi) còn đang loay hoay bán đồ ở cửa hàng tạp hóa mà anh tranh thủ khoảng trống trước nhà để dựng tạm. Trước khi có việc ổn định ở công ty sản xuất linh kiện điện tử, anh Trung làm đủ mọi nghề, như phụ hồ, lao động phổ thông.

Sau 8 tiếng trong công ty, anh Trung về lại căn trọ chừng 12 m2 (có gác) với bố mẹ và em trai. Cả gia đình anh, trừ mẹ làm nội trợ, thì ai cũng là lao động phổ thông.

Anh Trung chưa vợ, và hầu như hiếm tụ tập, giao lưu bạn bè. Anh cho hay: “Lương thấp, chỉ 4,9 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca, phụ cấp thì được 8 triệu đồng, nếu không tăng ca, tiền chỉ để cầm cự cho qua bữa. Đấy là mình chưa tính các khoản đám tiệc khác. Cứ nhìn giá cả nhiều khi mình thấy chóng mặt. Ví dụ như chai nước mắm nhà tôi lấy về bán tiệm tạp hóa cũng đã tăng từ 26.000 đồng lên 28.000 đồng rồi. Chát lắm”, anh Trung nói.

 

Lương tối thiểu khác lương đủ sống

Ngày 12.4.2022, trong phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia, các thành viên đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1.7.2022 với mức tăng 6% và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại TP.HCM, mức lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 260.000 đồng, tức tăng từ 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế, lương tối thiểu vùng khác với lương đủ sống. Trong khi lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người lao động nhận được nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu, tức có thể tồn tại được và tái sản xuất sức lao động; thì lương đủ sống là mức mà người lao động nhận có thể đảm bảo mức sống cơ bản, trang trải những chi phí cần thiết (như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội...) cùng với một khoản tiền tích lũy phòng thân cho bản thân và gia đình (theo Tổ chức Lao động quốc tế).

Đồng thời, theo báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của Tổ chức Oxfam, có ý: Mức lương đủ sống là mức lương công nhân đủ để trang trải một mức sống tử tế cho người lao động và gia đình họ. Mức lương đủ sống không phải là xa xỉ. Đó là mức mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo.

Theo Liên minh Lương đủ sống toàn cầu (Global Living Wage), mức lương đủ sống của người lao động tại TP.HCM năm 2020 là hơn 7,4 triệu đồng. Tuy nhiên năm 2021, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM, lương trung bình của công nhân, người lao động giảm so với năm 2020 (tỷ lệ năm 2021/2020: 91,40%) trong khi chi phí tiêu dùng chỉ tăng lên.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), lương của người lao động, nhất là của công nhân không theo kịp chi phí tiêu dùng hiện nay. Chính vì vậy, muốn đủ sống, họ phải làm việc nhiều hơn để bám trụ thành phố, với công nhân thì sẽ phụ thuộc vào tăng ca. Đôi khi, công nhân tăng ca nhiều nhưng vẫn không đủ chi phí. Nếu không tăng ca, công nhân sẽ làm thêm việc khác bên ngoài. Tuy nhiên, chính điều này có thể bẫy người lao động vào vòng xoáy mưu sinh, phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi và việc gì cũng phải đánh đổi.

“Toàn bộ các chi phí người lao động bỏ ra đều chi trả trực tiếp hằng tháng nên khoản tiền tiết kiệm dư ra để phòng các trường hợp rủi ro không có hoặc rất ít, chính vì vậy, khiến cho các trường hợp rủi ro tăng cao”, ông Lộc nhận định.

(còn tiếp)


Theo Theo Phạm Thu Ngân-Ngọc Duy (TNO)

Có thể bạn quan tâm