Kiểm tra đâu, sai phạm đó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong hai ngày ra quân thanh-kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 (ngày 12 và 13-1-2015) trên địa bàn TP. Pleiku, Đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATVSTP của tỉnh do ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP làm Trưởng đoàn, đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực ATVSTP. Điều đáng nói, là nhiều cơ sở kinh doanh đã lâu nhưng không hoàn thiện các hồ sơ giấy tờ, không cập nhật và đảm bảo ATVSTP theo quy định.

Qua kiểm tra 7 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đoàn liên ngành đã phát hiện 6/7 cơ sở vi phạm (trong đó, yêu cầu một cơ sở tạm ngừng hoạt động vì điều kiện sản xuất không đảm bảo).
 

Từ Táo lê Trung Quốc để ngoài trời cả tháng… không hỏng

Quản lý chất lượng trái cây nói riêng, rau, củ, quả nói chung trách nhiệm chính thuộc về ngành nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều năm qua việc quản lý chất lượng trái cây trên địa bàn tỉnh còn nhiều lỏng lẻo thậm chí là bỏ trống. Kiểm tra tại vựa trái cây Hải Ký (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku; trước đó 4 tháng đã kiểm tra và nhắc nhở), tại thời điểm kiểm tra ngày 12-1, đoàn liên ngành ghi nhận cơ sở vẫn hoạt động bình thường. Qua kiểm tra tại cơ sở cho thấy các loại trái cây nhập từ nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ theo quy định. Một số thùng trái cây bảo quản không tốt, có dấu hiệu hư hỏng; không có kệ, các thùng trái cây bỏ trên sàn, một số thùng bỏ ngay cạnh khu vực nhà vệ sinh…

 

Tăng cường thanh-kiểm tra ATVSTP. Ảnh: Như Nguyện
Tăng cường thanh-kiểm tra ATVSTP. Ảnh: Như Nguyện

Tại thời điểm kiểm tra cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức ATVSTP… Về hóa đơn chứng từ, một số loại trái cây như táo, lê Trung Quốc… chỉ có hóa đơn nhập hàng vài tháng trước. Theo anh Nguyễn Thượng Hiền-vựa trái cây Hải Ký thì hầu hết trái cây nhập từ các tỉnh miền Tây về. Một số loại như táo, lê, lựu… là của Trung Quốc. Sở dĩ chỉ có hóa đơn nhập hàng táo, lê vài tháng trước là do cơ sở nhập một lô hàng về. Đối với táo, lê… không biết có chất bảo quản không nhưng bảo quản lạnh thì để được 2, 3 tháng không hư.

Ngoài kiểm tra vựa trái cây, Đoàn thanh-kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã triển khai thanh kiểm tra hàng loạt các điểm bán trái cây lẻ tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật-TP. Pleiku, chợ Trà Bá, Thống Nhất… (TP. Pleiku), tuyên truyền và hướng dẫn các hộ kinh doanh ký cam kết trong đảm bảo ATVSTP. Qua kiểm tra cho thấy vấn đề quản lý chất lượng trái cây trên địa bàn tỉnh hầu như còn bỏ ngỏ không chỉ về mặt quản lý chất lượng mà nhận thức của chính người kinh doanh mặt hàng này còn hời hợt.

Bà Đoàn Thị Diệp-lô 1, bán trái cây đường Nguyễn Thiện Thuật-TP. Pleiku thừa nhận: Nguồn trái cây chủ yếu lấy tại vựa về bán nên không biết cũng như không quan tâm nguồn gốc ở đâu nhập về. Các loại khác như cam, xoài, mận… thì bán ế vài ngày đã có dấu hiệu hư hỏng nhưng với lê, táo thì để ngoài trời cả tháng không hư…

Đến hàng quá hạn sử dụng…

 

Tiêu hủy thực phẩm quá hạn sử dụng. Ảnh: Như Nguyện
Tiêu hủy thực phẩm quá hạn sử dụng. Ảnh: Như Nguyện

Kiểm tra tại tạp hóa Ân Toàn (222A Cách Mạng Tháng Tám-TP. Pleiku) vào sáng 13-1, đoàn kiểm tra phát hiện một số hàng hóa của cơ sở đã hết hạn sử dụng và tiến hành tiêu hủy tại chỗ. Qua kiểm tra cơ sở có những sai phạm như hàng hóa không để tách biệt với các loại độc hại, không sắp xếp theo đúng quy định, không có biện pháp bảo quản tốt; hàng hóa nhập từ nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt… Mặc dù kinh doanh đã lâu nhưng cơ sở chưa hoàn thiện giấy tờ kinh doanh theo quy định.

Tại tạp hóa Kim Hiền (300 Cách Mạng Tháng Tám-TP. Pleiku), cơ sở kinh doanh đã 10 năm nhưng cũng chỉ mới có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tại đây, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện một số thực phẩm hết hạn sử dụng và tiến hành tiêu hủy tại chỗ. Kiểm tra tại tạp hóa Kim Phượng (tổ 12, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, đối diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chủ cơ sở bà Hà Thị Phượng thừa nhận những sai phạm mà đoàn phát hiện là đúng nhưng kiên quyết… không ký biên bản. 

 

Cơ sở sản xuất bánh mì ngọt, bánh cam (thôn 6, xã Trà Đa, TP.Pleiku) sản xuất trong điều kiện quá bẩn. Ảnh: Như Nguyện
Cơ sở sản xuất bánh mì ngọt, bánh cam (thôn 6, xã Trà Đa, TP.Pleiku) sản xuất trong điều kiện quá bẩn. Ảnh: Như Nguyện

Qua kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh mì ngọt, bánh cam của ông Lê Văn Dự (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku), tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất tại đây, một người trong đoàn đã thốt lên hai từ “khủng khiếp”. Khu sản xuất được trưng dụng từ khu vực chuồng nuôi heo cũ, nằm cạnh nhà vệ sinh và gia đình vẫn còn đang nuôi heo. Bánh cam thành phẩm được đựng trong những dụng cụ cáu bẩn… Đoàn liên ngành đã yêu cầu cơ sở tạm ngừng sản xuất vì quá bẩn và sẽ có văn bản gửi về xã để giám sát cơ sở, không để những thực phẩm bẩn tiếp tục lưu thông trên thị trường…

Bác sĩ Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa được kiểm tra trước đây nên ý thức kinh doanh chưa cao. Họ chưa tìm hiểu và cập nhật các kiến thức ATVSTP cũng như hoàn thiện các giấy tờ theo quy định. Ngoài kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm, đoàn phối hợp tuyên truyền, phổ biến các kiến thức ATVSTP để nâng cao ý thức người dân. Riêng đối với các hộ bán lẻ trái cây thì đây là lần đầu kiểm tra nên chủ yếu tuyền truyền, nhắc nhở, ký cam kết trong đảm bảo ATVSTP để họ có ý thức trong thời gian đến…”.

Như Nguyện
 

Có thể bạn quan tâm