(GLO) Ngày 8-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cùng đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc tại huyện Chư Pưh và Chư Sê nhằm đánh giá tình hình phát triển, sản xuất kinh doanh cũng như tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và tìm hướng phát triển cây hồ tiêu trong thời gian đến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên làm việc tại huyện Chư Pưh. Ảnh: L.S |
Theo báo cáo, từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích hồ tiêu chết trên địa bàn 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê là 1.017 ha. Trong đó, huyện Chư Pưh là 854 ha, chết do già cỗi 212,5 ha, sâu bệnh hơn 319 ha và chết do hạn hán, bão lũ 321 ha. Riêng Chư Sê có tỷ lệ diện tích cây hồ tiêu chết ít hơn với 163,2 ha, chết do già cỗi 67 ha, sâu bệnh hơn 93 ha, chết do hạn hán 2,7 ha.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu chết: do biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài, vườn cây không có cây che bóng mát dẫn đến suy giảm sinh trưởng. Kết hợp với các loại nấm và tuyến trùng tấn công không thể phục hồi. Bên cạnh đó, nhiều vườn cây canh tác lâu năm, người dân lạm dụng phân hóa học để tăng năng suất dẫn đến đất bị chai hóa và kháng thuốc. Để khắc phục thiệt hại, các huyện đã quy hoạch lại diện tích hồ tiêu và chuyển đổi sang trồng một số cây khác như: sầu riêng, mít Thái, bơ booth, chanh leo và cây dược liệu... Huyện Chư Sê chuyển đổi 81,6 ha, Chư Pưh 870 ha. Bên cạnh đó, người dân cũng tự phát trồng tiêu Lốt; Sở Nông nghiệp và PTNT cho một công ty trồng thử nghiệm cây sa chi tại huyện Chư Sê là 3 ha và tự phát tại huyện Chư Pưh 300 gốc.
Qua kiểm tra việc chuyển đổi cây trồng cũng như báo cáo đánh giá của các ngành chức năng về thực trạng hồ tiêu chết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên yêu cầu các huyện rà soát lại diện tích già cỗi, hạn hán, phân bón giả để khắc phục đất và tái canh cây hồ tiêu. Phân loại nguyên nhân để chuyển đổi cây trồng và trồng cây gì phải gắn liền với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng người dân tự phát trồng ồ ạt. Đối với những diện tích hồ tiêu còn lại, cần tuyên truyền cho người dân nhận biết triệu chứng sâu bệnh, bón phân đúng liều, đúng thời vụ; áp công nghệ tưới nước tiết kiệm; xây dựng quy trình trồng cây hồ ttiêu theo tiêu chuẩn VietGap; trồng xen canh cây gì vừa mang lại hiệu quả kinh tế và có độ che phủ tốt, không cạnh tranh dinh dưỡng cũng như lây bệnh chéo; xác định cây hồ tiêu đầu dòng theo dõi, đánh giá chất lượng và nhân giống… Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên thanh-kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bán phân bón giả và cây giống trôi nổi trên địa bàn.
Riêng đối với diện tích tiêu Lốt và cây Sa chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 2 huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm soát và cho dừng lại ở mức độ trồng thử nghiệm trên diện tích hiện tại. Không để người dân mở rộng diện tích vì đây là hai loại cây trồng mới chưa nằm trong danh mục cây được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép.
Linh Sang