Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Những rủi ro gặp phải khi mua hàng trên Temu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Temu vẫn chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, chính sách không cho thanh toán bằng tiền mặt và chất lượng hàng hóa vẫn còn gây hoài nghi đang là những điều người dùng lo ngại về nền tảng mua sắm trực tuyến mới này.

"Cơn bão Temu" đang càn quét khắp mạng xã hội Việt Nam những ngày qua. Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này được điều hành bởi PDD Holdings, công ty thương mại điện tử đến từ Trung Quốc. Temu được xem là phiên bản quốc tế của sàn thương mại điện tử Pinduoduo, lần đầu ra mắt tại Mỹ vào tháng 9.2022 và nhanh chóng mở rộng hoạt động khắp thế giới.

Cuối tháng 10, Temu bắt đầu quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam với các chương trình ưu đãi lên đến 90%, giao diện nền tảng cũng được Việt hóa, cho phép người dùng đặt hàng và cam kết thời gian vận chuyển chỉ trong vòng 4 - 7 ngày. Kho hàng hóa khổng lồ, mẫu mã phong phú, giá cạnh tranh và chiến lược quảng bá rầm rộ khiến Temu thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Tuy nhiên các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thương mại điện tử đang cảnh báo người dùng nên cẩn trọng khi mua sắm trên Temu bởi các lý do sau:

Bất cập khi chưa cho thanh toán bằng tiền mặt

Thanh Hùng, nhân viên văn phòng tại Đà Nẵng, cho biết do nhận được quá nhiều quảng cáo và thấy giá rẻ, anh đã tải ứng dụng Temu. Anh đặt mua thử bộ đồ nghề sửa chữa xe đạp với giá 97.000 đồng, rẻ hơn 73% so với giá niêm yết.

Khi đến phần thanh toán, nền tảng chỉ chấp nhận thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc Apple Pay, không có tùy chọn tiền mặt. "Temu còn quá mới ở Việt Nam, tôi chưa thấy đủ tin tưởng để đưa thông tin thanh toán cá nhân lên nền tảng. Phương thức thanh toán còn lại là thông qua Apple Pay thì tôi không có tài khoản", anh Hùng nói.

Sàn thương mại điện tử Temu hiện chỉ cho người dùng tại Việt Nam lựa chọn hai phương thức thanh toán là qua Apple Pay hoặc thẻ thanh toán quốc tế
Sàn thương mại điện tử Temu hiện chỉ cho người dùng tại Việt Nam lựa chọn hai phương thức thanh toán là qua Apple Pay hoặc thẻ thanh toán quốc tế

Sau khi cân nhắc, Thanh Hùng quyết định xóa ứng dụng, không mua hàng trên Temu do chưa thấy tin tưởng. Trong khi đó, Mỹ Quyên, chuyên viên truyền thông tại TP.HCM, chọn phương án khóa thẻ sau khi "lỡ thanh toán" trên ứng dụng. Tương tự anh Hùng, khi nghe phân tích về rủi ro trên các hội nhóm, cô đã chọn phương án an toàn nhất là đóng thẻ ngân hàng.

Ông Lê Hải Vũ, CEO Velasboost - công ty chuyên sản xuất phụ kiện điện tử, nằm trong top gian hàng lớn trên các sàn thương mại điện tử - đánh giá: "Việc không thanh toán bằng tiền mặt có lợi cho người bán và sàn. Tuy nhiên với thói quen mua sắm của người Việt, trả tiền khi nhận hàng (COD) vẫn là hình thức được ưa chuộng do đem lại cảm giác an tâm hơn".

Theo ông Vũ, việc lộ lọt thông tin khi thanh toán online có thể đến từ nhiều nguyên nhân, không chỉ từ phía sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên để an toàn, người dùng nên sử dụng thẻ phụ để thanh toán, dùng bao nhiêu, nạp bấy nhiêu sẽ an toàn hơn.

Chất lượng hàng hóa còn nhiều nghi ngại

"Về mặt giá cả họ bán, đến tôi cũng giật mình. Vì giá rất là rẻ nhưng cần có điều tra, nghiên cứu cụ thể chứ chưa dám khẳng định với mức giá rẻ như thế thì đó có phải là hàng thật hay không", Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.

Từ quan sát thực tế, ông Lê Hải Vũ cho rằng Temu có lợi thế từ nguồn hàng trực tiếp tại nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng lớn. Hàng hóa trên đây cực kỳ đa dạng, giá thành rẻ nhưng đa số là hàng không thương hiệu. Điều này đồng nghĩa chất lượng sẽ không được đảm bảo. "Việc có mua được hàng tốt trên Temu hay không nhiều khi là hên hơn hay", ông Vũ nói.

Theo các chuyên gia, trong lúc chất lượng hàng hóa còn gây nghi ngại, vấn đề liên quan đến thanh toán chưa được bản địa hóa và việc Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, người dùng nên cẩn trọng trong việc mua sắm. Thời gian đầu chỉ nên mua những món hàng giá trị thấp để trải nghiệm dịch vụ. Không dùng thẻ ngân hàng chính để thanh toán, tránh những rủi ro phát sinh về sau.

Giao diện ứng dụng Temu
Giao diện ứng dụng Temu

Temu vẫn chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam

Điều khiến nhiều người lo ngại hơn cả là dù được quảng cáo rầm rộ, nhưng Temu vẫn chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi khách hàng có khiếu nại hoặc tranh chấp với nền tảng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3, chiều 23.10, đại diện Bộ Công thương cho biết Temu vẫn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Nghị định 85/2021 quy định tất cả sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục đăng ký và phải được cấp phép. Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận hàng giả, hàng nhái. Bộ đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát liên quan đến vấn đề này.

Dù chưa chính thức đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng Temu đã tung ra một chiến lược mới khi cho người dùng tại Việt Nam đăng ký chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) với mức hưởng hoa hồng lên tới 30%.

Ngày 24.10, Temu đã có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định về việc cấp phép hoạt động cho nền tảng. Trước đó Temu đã ba lần đăng ký hoạt động ở Indonesia nhưng bị từ chối. Quốc gia này đã chính thức ra lệnh cấm Temu để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Bộ Công thương đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu

Có thể bạn quan tâm