Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ: Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Hai nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, chúc tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024 tại Bộ Tư lệnh Quân khu 1 (Quân đội Hoàng gia Campuchia). Ảnh: Thanh Tuyền |
Từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các địa phương, sở, ngành đã đưa ra chương trình hành động cụ thể. Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn, giống, phương tiện, vật tư… nhằm khuyến khích, tạo động lực cho người dân tích cực sản xuất và tham gia bảo vệ địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh bố trí, quy hoạch các cụm dân cư, đảm bảo đời sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tạo thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham gia thẩm định các dự án phát triển kinh tế và tham mưu cho tỉnh chỉ đạo việc điều chỉnh, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu về quốc phòng-an ninh.
Đặc biệt, các đơn vị quân đội làm kinh tế-quốc phòng trên địa bàn đã kết hợp tốt việc phát triển sản xuất kinh doanh với thu hút lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm việc, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh.
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: Trên địa bàn biên giới của tỉnh, Binh đoàn có các đơn vị gồm: Công ty 74, 75, 72 và Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 đứng chân với 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh. Đến nay, Binh đoàn đã trồng và quản lý 44.295 ha cao su, gần 300 ha dứa, trên 70 ha lúa nước và 39,47 ha cà phê, chăn nuôi hơn 1.000 con bò thịt; doanh thu hàng năm đạt trên 2.200 tỷ đồng. Binh đoàn hiện có gần 15 ngàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động.
Cán bộ Binh đoàn 15 và Công ty 74 kiểm tra cánh đồng lúa của người dân sản xuất trên đất tái canh cao su do đơn vị cho mượn. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Với phương châm “Mỗi đội sản xuất là một pháo đài chiến đấu, mỗi cụm dân cư là một khu vực phòng thủ”, sản xuất đến đâu đưa dân cư đến đó, các đội sản xuất, cụm dân cư của Binh đoàn 15 đã trải dài trên vùng biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh. Từ năm 2023 đến nay, Binh đoàn đã hỗ trợ giống, vốn, vật tư sản xuất trị giá hơn 25 tỷ đồng; đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mới gần 40 km đường giao thông với trị giá 70 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng nhu yếu phẩm và hỗ trợ 80 tấn gạo cho người dân vào thời điểm giáp hạt với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Binh đoàn còn đầu tư xây dựng, sửa chữa 205 phòng tập thể, nhà ở các loại trị giá 11,3 tỷ đồng.
Thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh vận hành đồng bộ cơ chế lãnh đạo của Đảng trong khu vực phòng thủ; vai trò tham mưu của cơ quan quân sự đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng-an ninh đạt trên 80%. Hàng năm, việc gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu.
Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ đảng viên trong thanh niên nhập ngũ hàng năm đạt gần 2%; trình độ đại học, cao đẳng đạt 2,3%; tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,53% so với dân số. Công tác bồi dưỡng, đào tạo quân nhân dự bị được chú trọng với hơn 81% chi bộ đại đội dự bị động viên có chi ủy. Đây là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đối ngoại để mở đường phát triển
Gia Lai có hơn 80 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Với phương châm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác đối ngoại nhân dân và đối ngoại quốc phòng. Nhân dân 2 bên biên giới Việt Nam-Campuchia có tinh thần đoàn kết, gắn bó lâu đời, nhiều người có mối quan hệ thân tộc nên công tác đối ngoại được thực hiện có hiệu quả.
Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ địa bàn. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn biên giới có 65 tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc và tự quản bảo vệ an ninh trật tự thôn, làng với 430 thành viên. Để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã đầu tư 140 tỷ đồng làm mới và sửa chữa các tuyến đường trên khu vực biên giới. Các địa phương trên khu vực biên giới cũng đã phân bổ ngân sách hơn 257 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, khu vực biên giới có 3 xã và 23 làng đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn biên giới đã được đầu tư đồng bộ, nhiều chính sách phát triển kinh tế được triển khai góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia còn làm tốt công tác đối ngoại. Các đồn Biên phòng, cơ quan, đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin, thăm hỏi các đơn vị quân đội của nước bạn bên kia biên giới, vừa nắm chắc thông tin, vừa xây dựng mối quan hệ đoàn kết với mục tiêu hiểu nhau để chung tay bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn các xã biên giới có 10 cặp thôn, làng kết nghĩa với nhau để cùng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn. Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, ông Nhem Som Ươn-Tỉnh trưởng Ratanakiri-cho biết: Chính phủ và Nhân dân Campuchia luôn biết ơn và ghi nhớ sự hy sinh, cống hiến xương máu của quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam để đất nước Campuchia có được như ngày hôm nay.
“Hiện nay, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế. 2 nước và 2 dân tộc chúng ta đã có mối quan hệ tốt đẹp từ trước đến nay. Chính vì thế, chúng ta phải đoàn kết cùng nhau bảo vệ thành quả ấy”-Tỉnh trưởng Ratanakiri chia sẻ.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-nơi thông thương hàng hóa giữa Gia Lai và Camphuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Gần 70 năm sống trên miền biên viễn, già làng Rơ Châm Trôm (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) hiểu khá rõ về sự đổi thay trên quê hương mình. Ông cho biết: “Làng mình và làng Đo Nhỏ (xã Oza Tung, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) có mối quan hệ đoàn kết gắn bó lâu đời. Nhân dịp lễ, Tết, 2 bên đều cử đoàn đến thăm hỏi, động viên nhau chăm lo làm ăn, chung tay bảo vệ biên giới. Những người sống trên miền biên viễn như chúng tôi đều thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ biên cương. Biên giới có hòa bình thì người dân mới phát triển được kinh tế”.
Tại buổi tiếp Tỉnh trưởng Ratanakiri, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Gia Lai luôn trân trọng và đánh giá cao sự giúp đỡ của tỉnh Ratanakiri trong việc tạo điều kiện hỗ trợ các lực lượng của tỉnh làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Ratanakiri quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân Việt Nam sinh sống tại khu vực biên giới giữa 2 nước có thể thuận lợi hơn hoạt động xuất-nhập cảnh với mục đích thăm người thân và dự lễ cưới hỏi.
Việc giữ vững ổn định khu vực biên giới là chính sách lâu dài và là điểm tựa góp phần đưa Gia Lai phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đây cũng là thực hiện nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tăng cường công tác quốc phòng-an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế-quốc phòng, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng-an ninh và thế trận lòng dân vững chắc ở địa bàn biên giới, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc.