Thời sự - Bình luận

Kiên trì mục tiêu bảo đảm quyền con người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến hẹn lại lên, gần Ngày Nhân quyền thế giới (10-12) là trên mạng internet lại xuất hiện nhiều bài viết của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với giọng điệu xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu, chính sách nhất quán tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tất cả những giá trị tốt đẹp về quyền con người.

Mỗi người dùng internet, dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần, lên án những phần tử có tư tưởng thâm thù với chế độ. (Ảnh nguồn Internet)
Mỗi người dùng internet, dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần, lên án những phần tử có tư tưởng thâm thù với chế độ. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Một thể chế chính trị tiến bộ, một quốc gia được gọi là văn minh thì không thể không bảo đảm những quyền cơ bản của con người. Việt Nam tuy không phải là quốc gia đầu tiên đề ra các vấn đề về quyền cơ bản của con người nhưng là một trong số ít quốc gia sớm tiếp cận về quyền con người. Ngày 2-9-1945, khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Hay nói khác hơn, quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc.

75 năm xây dựng và phát triển đất nước, tuy đã mất gần một nửa thời gian ấy để tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, chịu ảnh hưởng của bao vây cấm vận, đất nước gặp không ít khó khăn, nhưng Việt Nam luôn thiện chí hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm không ngừng cải thiện, bảo đảm những quyền cơ bản, chính đáng của con người.

Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam thể hiện trên mọi lĩnh vực, nhất là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế trong gần 35 năm đổi mới (1986-2020), được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,73% (năm 2019). Nếu như quy mô nền kinh tế năm 1985 mới có 14 tỷ USD thì đến năm 2019 đã đạt 262 tỷ USD, tăng gấp hơn 18,7 lần. Tạp chí The Economist tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Đặc biệt, năm nay, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái, nhưng nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Đó là cơ sở để Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Điều đó được thể hiện ở “Chỉ số phát triển con người” (HDI). Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước.

Kết quả này thêm một lần chứng minh Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất trong việc bảo đảm quyền được sống an toàn, khỏe mạnh cho mọi người dân-một trong những giá trị cao cả của quyền con người.

Chúng ta kiên trì mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng chính là cam kết chính trị của chúng ta với cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về nhân quyền đã được xác định trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”. Đó cũng chính là thực hiện điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập là mọi người Việt Nam đều có “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Vì thế, chúng ta không thể chấp nhận một số tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài như: Theo dõi nhân quyền thế giới (HRW), Phóng viên không biên giới (RSF) và các trang mạng xấu độc từ nước ngoài thường xuyên có cái nhìn sai trái, nhận định rất thiếu khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, tôn giáo.

Nói như vậy để thấy rằng, mỗi người dùng internet, dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần, lên án những phần tử có tư tưởng thâm thù với chế độ, cũng như các đối tượng lợi dụng “đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền”, cố tình đơm đặt, bôi nhọ những giá trị cơ bản của quyền con người chân chính và rêu rao xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam không tôn trọng, bảo đảm quyền con người.

ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm