Thời sự - Bình luận

Kinh đô áo dài không chỉ là chuyện công chức mặc áo ngũ thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những bàn luận về chuyện công chức của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân chưa dừng lại. Đương nhiên thôi, cái gì mới đưa ra cũng phải có ý kiến phản biện, tranh luận, đó mới là điểm tích cực của xã hội.
 

Cũng như mấy chục năm trước, sau khi tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, đã có đề xuất thực hiện khôi phục áo dài cho Huế. Cụ thể là phụ nữ mặc áo dài đi làm, nữ sinh mặc áo dài đi học. Lúc đó, có một làn sóng phản đối, cho rằng không nên ăn mặc “kiểu cách”, phức tạp, gây khó khăn cho sinh hoạt. Nhưng khi những cơn sóng đó lắng xuống, thì nhiều người tìm lại những bộ áo dài cũ đem ra mặc, ai có tiền thì may áo mới.

Đề án Huế kinh đô áo dài đầy tham vọng của Huế không chỉ là chuyện cán bộ mặc áo ngũ thân chào cờ, đó chỉ là một trong những chiếc áo dài mà “bảo tàng áo dài sống” của Huế muốn trưng bày mà thôi. Sẽ có nhiều phụ nữ Huế chọn lựa áo dài tuyền thống để đi làm, đi chơi, đi lễ chùa, nhà thờ, nữ sinh sẽ mặc áo dài đi học. Phụ nữ mặc áo dài được thì đàn ông cũng mặc áo dài truyền thống được, và nó sẽ làm phong phú hơn, đa sắc hơn đời sống sinh hoạt và ăn mặc của người dân cố đô Huế.

Và không chỉ thế, sẽ có nhiều thầy cô giáo chọn áo dài truyền thống để mặc trong những ngày lễ chính, như thầy giáo trường Quốc Học - Khải Định xưa từng mặc, trang trọng, uy nghiêm và đẹp.

Tất cả những hình ảnh về áo dài ở nhiều không gian khác nhau từ trường học, công sở đến các lễ hội làm nên sản phẩm du lịch Huế. Du khách đến Huế không chỉ có núi Ngự, sông Hương, đền đài lăng tẩm, mà còn ngắm nhìn những trang phục áo dài xưa là áo dài ngũ thân nam, áo dài ngũ thân nữ, áo Nhật Bình, một loại cổ phục quý phái dành cho nữ...

Du khách đến Huế, yêu thích những bộ áo dài truyền thống, sẽ mua về làm kỷ niệm, để mặc trong những dịp thích hợp. Như vậy, áo dài trở thành sản phẩm thương mại, giúp cho ngành du lịch Huế có thêm nguồn thu.

Và đương nhiên, khi những chiếc áo dài được du khách yêu thích, được chọn mua như một “đặc sản” xứ Huế, thì nghề may áo dài truyền thống được phục hồi, nhiều người có thêm công ăn việc làm bằng tay nghề của mình. Hiện nay ở Huế chỉ có khoảng 4 người giỏi nghề may áo dài truyền thống, không giữ nghề sẽ mai một.

Cho nên, đừng nhìn chiếc áo dài ngũ thân chỉ là chuyện công chức ngành văn hóa mặc để chào cờ sáng thứ hai đầu tháng.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/kinh-do-ao-dai-khong-chi-la-chuyen-cong-chuc-mac-ao-ngu-than-835084.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm