Thời sự - Bình luận

Kinh tế sẽ phục hồi mạnh trên nền tảng vĩ mô ổn định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ chủ động kiểm soát dịch bệnh nên kinh tế đất nước đã giữ được mức tăng trưởng hợp lý nhất có thể trong năm 2021. Đó chính là tiền đề để Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% như giai đoạn trước khi xảy ra dịch bệnh. Quyết tâm mạnh mẽ từ Quốc hội, Chính phủ đến mỗi người dân, doanh nghiệp cho phép chúng ta tin tưởng rằng kinh tế đất nước sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng nhờ duy trì ổn định nền tảng vĩ mô trong năm 2021, khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2022 và những năm tới.
Việc lạm phát được kiểm soát dưới 2%, dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD và đồng tiền Việt Nam tăng giá khoảng 1% so với USD cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thêm vào đó, với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, việc triển khai đồng thời các chính sách: giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ an sinh xã hội hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn nỗ lực kiểm soát nợ công, kiềm chế thâm hụt ngân sách và quyết liệt thúc đẩy đầu tư công là những nền tảng quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và phục hồi sau khi dịch được kiểm soát. Những yếu tố này đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam, giúp nguồn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng.
Sản xuất cà phê L'amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Đức Thụy
Quy trình sản xuất cà phê L'amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Đức Thụy
Đó chính là cơ sở để các định chế tài chính trên thế giới nhận định trong năm 2022 có những tín hiệu tích cực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,5%, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% nhờ chủ yếu từ đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội tăng trưởng, nguy cơ bất ổn vĩ mô cũng có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản (đất đai, trái phiếu, thị trường chứng khoán). Những biểu hiện gần đây cho thấy đó chính là những rủi ro “đặc trưng Việt Nam” cần phải lưu ý. Việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 84% kế hoạch năm 2021 và các gói an sinh xã hội chậm đến tay người dân cũng là vấn đề cần khắc phục.
Để đạt mục tiêu phục hồi, tăng trưởng kinh tế ở mức 6-6,5% như Quốc hội giao, Chính phủ cần nhất quán quan điểm chỉ đạo là quyết tâm thực hiện “đa mục tiêu”: vừa phòng-chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội, năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.
Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng và yêu cầu Chính phủ triển khai ngay trong quý I-2022 với các mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12-2-2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng-chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành, địa phương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa, thúc đẩy tăng thu ngân sách đi liền với triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022-2023 của từng bộ, ngành, địa phương; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bảo đảm chất lượng công trình, phát huy hiệu quả của dòng vốn này phục vụ công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm