(GLO)- Gần 2 năm qua, dòng Pô Kô chảy qua địa phận huyện Ngọc Hồi và Đak Tô (Kon Tum) bị ô nhiễm nặng bởi hai nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev và Phương Hoa. Mặc dù bà con nhân dân sống ở các xã dọc hai bên sông thuộc các địa phương này rất nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Hai bên bờ sông bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Hoài Trần |
Anh Lê Đức Hòa-một người dân sống ở thôn 2, xã Tân Cảnh (huyện Đak Tô) bức xúc: Kể từ khi hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm bắt đầu xảy ra. Đặc biệt, gần 2 năm trở lại đây, nước sông Pô Cô ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt, gần nửa tháng nay, hễ đi gần bờ sông Pô Kô thì không ai có thể chịu nổi mùi hôi thối. Trên mặt sông, nước luôn có bọt lều phều và màu đục khác thường. Khi đặt máy bơm xuống dòng sông hút nước tưới cây, chỉ vài ba giờ đồng hồ là ống hút bị tắc do xác bẩn vì vỏ sắn.
Một người dân sống cùng xóm với anh Hòa khẳng định: Mỗi lần có việc phải lội xuống sông, về đến nhà sẽ bị mẩn ngứa, lở loét chân tay.
Ngày 10-2, theo phản ánh của nhân dân ở đây, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng như vậy là do phía thượng nguồn sông Pô Kô có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa (ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đak Nông, huyện Ngọc Hồi) và Fococev (xã Đak Kroong, huyện Đak Glei), với công suất hàng ngàn tấn sắn nguyên liệu/ngày. Đây là hai nhà máy được tỉnh Kon Tum cấp phép hoạt động sát bờ sông.
Đây cũng là hai nhà máy đã nhiều lần bị Cảnh sát Phòng-chống tội phạm về Môi trường (Công an tỉnh Kon Tum) xử phạt vì có hành vi lắp đường ống xả thải ra môi trường. Mới đây (27-11-2014), Nhà máy Chế biến Tinh bột sắn Fococev bị bắt quả tang đang xả nước thải có màu đen đặc quánh xuống sông Pô Kô bằng hai đường ống đường kính 300 cm.
Hoài Trần