Kông Chro: Học sinh vẫn phải lội sông đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, hàng chục học sinh dân tộc Bahnar của Trường THCS Kpă Klơng, xã An Trung, huyện Kông Chro vẫn phải liều mình lội qua dòng sông Ba hung dữ để đến trường. Một năm học mới nữa lại đến, nhưng sự nguy hiểm trong mỗi bước chân đến trường của các em thì vẫn còn đó.

6 giờ sáng, khi mặt trời vẫn đang mấp mé sau ngọn núi, nhóm học sinh Trường THCS Kpă Klơng của 3 làng Biêng, Kia 1, Kia 2 phía bên kia sông Ba bắt đầu lò dò xuống bờ sông. Hành trang đến trường của các em khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng lạ lẫm. Các em vẫn mặc áo trắng, nhưng thay vì chiếc quần xanh quen thuộc là  những chiếc quần cộc quá đầu gối. Ngoài cặp sách, trên tay các em còn lủng lẳng chiếc bì nilông đựng quần áo. Mọi thứ dường như đã được chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc vượt sông, việc mà ngày nào các em cũng thực hiện hai lượt đi và về.

 

Các em học sinh phải nắm chặt tay nhau để không bị cuốn trôi giữa dòng sông Ba. Ảnh: L.V.N

Các em nắm tay nhau rồi nhè nhẹ đặt bàn chân xuống làn nước lạnh buổi sớm. Ngày nào cũng phải làm công việc này, nhưng trên gương mặt các em vẫn lộ rõ vẻ lo sợ, đặc biệt là các em học sinh nữ. Em Y Xá, học sinh lớp 7C cho biết: “Em biết bơi, nhưng vẫn sợ lắm, vì muốn qua trường sớm thì phải lội sông cùng các bạn, đi qua cầu thì xa lắm mà nhà em lại không có xe”. Dẫu sợ nhưng các em vẫn phải mò mẫm dò xét từng bước chân xuống dòng sông đang ngầu đục.

Lòng sông Ba rất nhiều đá, to nhỏ đủ loại, rêu bám trơn như mỡ, chỉ cần sơ suất bước hụt thì dòng nước chảy xiết đã sẵn sàng cuốn đi. Việc học sinh bị trượt chân, bong gân, sách vở trong cặp ướt sũng… không phải là chuyện lạ.       

Giữa khúc sông rộng hơn 50 mét, từng nhóm học sinh như lọt thỏm giữa dòng nước chảy xiết. Chơi vơi giữa dòng, không có gì bấu víu ngoài những bàn tay nắm chặt vào nhau, nhiều em mất thăng bằng loạng choạng suýt ngã xuống sông.

Tiếng hét lên vì sợ của các em vang lên át cả tiếng ầm ầm của dòng nước vỗ vào những tảng đá lớn. Mùa này, mực nước sông Ba nhiều đoạn  mấp mé ngang hông. Những em nhỏ hơn thường phải có người lớn đi cùng hoặc đi cùng những nhóm anh chị lớn. Thông thường, các em phải mất 15 phút để qua khúc sông này. Vừa leo con dốc cao từ bờ sông lên, em Dớt học sinh lớp 8C hổn hển: “Em lội sông đi học đã 2 năm nay nên quen rồi đỡ sợ hơn, nhưng khi nào nước lớn quá thì em đành phải nghỉ học”. Sau khi vượt sông, các em liền vội vã thay quần áo ướt để chuẩn bị đến trường cho kịp giờ vào lớp. Nhiều em không mang quần áo đành đến lớp với bộ quần áo ướt đẫm nước sông.

Nước sông Ba vẫn cuồn cuộn chảy, nguy hiểm vẫn chờ chực trong từng bước chân của các em. Cả học sinh và phụ huynh vẫn biết về sự nguy hiểm, nhưng vì con chữ những bước chân vẫn hàng ngày mò mẫm qua sông như đùa giỡn với tử thần. Ông A Văn, làng Biêng bày tỏ: “Mình có hai đứa con học bên đó, muốn qua cầu cho an toàn thì phải đi gần 30 km mới đến được trường mà nhà mình nghèo không có xe cho lũ trẻ đi học. Dẫu nguy hiểm cũng phải cho chúng nó đi tìm cái chữ, lúc trước cũng dẫn đi một vài lần nhưng sau đó quen rồi nên để cho chúng tự đi”.

Thầy Huỳnh Cao Thương-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kpă Klơng cho biết: “Toàn trường có 70 em học sinh thường xuyên phải  lội qua sông để đến lớp. Nhà trường đang vận động để các em ở nội trú tại trường nhưng kinh phí còn hạn hẹp”.

Đây là tình trạng đã tồn tại từ nhiều năm qua. Đề nghị chính quyền địa phương cần có giải pháp hỗ trợ để mỗi bước chân đến trường của các em không còn tiềm ẩn rủi ro.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm